Non nước Việt Nam

Bình Định: Đắm say An Toàn

Cập nhật: 05/09/2023 14:08:27
Số lần đọc: 515
Ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển, xã An Toàn, huyện An Lão được ví là “cổng trời” Bình Định. Huyện An Lão đang từng bước quy hoạch, đầu tư xây dựng An Toàn thành một điểm du lịch cộng đồng đặc sắc. Cùng với định hướng này, người dân ở đây bắt đầu làm du lịch theo cách riêng của mình.


Homestay trên cổng trời

Giữa tháng 7 vừa rồi, chị Phạm Ngọc Thủy, nhân viên chi nhánh VietinBank Bình Định cùng bạn bè tham gia chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm ở An Toàn.

Chị Phạm Ngọc Thủy cùng bạn bè trải nghiệm tour du lịch 2 ngày 1 đêm tại An Toàn. Ảnh: C.N

Men theo những con đường hoa lau nở trắng muốt uốn lượn bao quanh sườn núi, đoàn của chị Thủy đến vùng cao An Toàn. Không khí dịu mát, trong lành giúp đoàn quên đi mỏi mệt của chuyến hành trình hơn 115 km từ TP Quy Nhơn đến An Toàn. Đoàn được đón tại farmstay Nẫu Ecovalley nằm ngay cạnh đường bê tông nhỏ sạch sẽ, uốn lượn lưng chừng dốc. Chị Thủy chia sẻ: Tôi rất thích cảnh quan, không khí ở đây. Đi thăm đồi sim, làng bích họa, thác Rung, thác Sông Mia, thác Đá Dĩa, hòa mình với đồng bào trong lễ hội cồng chiêng, thưởng thức món ăn chế biến từ gà đồi, heo đen, rồi rau dớn, cá niên, rượu ghè… Tất cả khiến 2 ngày 1 đêm trôi qua rất nhanh và ai cũng muốn trở lại.

Du khách mua rượu ghè tại farmstay Nẫu Ecovallye. Ảnh: C.N

Hiện nay, xã An Toàn có 4 điểm lưu trú cho khách du lịch: Homestay Đinh Thị Mới, homestay Phạm Thị Kênh, farmstay Nẫu Ecovalley (thuộc HTX Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn), homestay Đinh Văn Liêu. Đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng homestay gồm 12 phòng trên khu đất rộng 600 m2, chị Phạm Thị Kênh (41 tuổi, người Bana) chia sẻ: Ban đầu, gia đình chỉ định làm homestay nhỏ cho các nhóm du lịch khám phá thác K50 nhưng lượng khách vào mùa hè tăng nhanh, vợ chồng tôi quyết định đầu tư bài bản, làm nhà sàn gỗ y như đồng bào ở đây với đầy đủ tiện nghi.

Nhộng ong trộn măng, một món ăn đặc trưng ở An Toàn phục vụ du khách. Ảnh: C.N

Nhưng An Toàn níu chân du khách, khiến du khách muốn trở lại ngay khi còn đang ở nơi này bằng chính sự giản dị, thân thiện, bằng không gian văn hóa đặc sắc. Anh Vũ Đức Hòa - Giám đốc HTX Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn, chia sẻ: Mỗi tháng, Nẫu Ecovalley đón khoảng 100 khách. Chúng tôi luôn tạo thêm những điều mới mẻ để thu hút khách.

Hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng

Huyện An Lão đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết hợp với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó tập trung phát triển hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở xã An Toàn như: Bưởi, cam, bơ, cây mây, chè tiến vua, chè dây, trà thảo mộc, cao dược liệu, sim, rượu cần và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào H’re, Bana...

Theo ông Đinh Văn Đang, Chủ tịch UBND xã An Toàn, những năm qua, An Toàn được đầu tư xây dựng đường bê tông từ thị trấn An Lão tới tận các thôn của xã. Trong năm 2023, UBND huyện đầu tư xây dựng các điểm để du khách nghỉ chân chụp ảnh như: Cổng trời An Toàn, đỉnh ngắm mây, cổng chào tại 3 thôn, làng bích họa văn hóa Bana thôn 3, đồi sim Gia Vựt…

UBND huyện An Lão đưa ra danh mục 8 dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện, với tổng diện tích khoảng 1.000 ha, trong đó có dự án bảo tồn và phát triển vùng sim An Toàn với 306 ha, tại tiểu khu 1, xã An Toàn, xây dựng khu du lịch sinh thái phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng vui chơi giải trí gắn với sản xuất rượu sim.

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: UBND huyện đang đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu đất các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện và đầu tư xây dựng đường bê tông xi măng từ sông Mia đến đồi sim sân bay Gia Vựt (thôn 1, xã An Toàn). UBND huyện kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao và khu nghỉ dưỡng tại thôn 1, thôn 2, thôn 3, xã An Toàn với hơn 28 ha; dự án bảo tồn và phát triển vùng sim An Toàn tại tiểu khu 1 với diện tích 306,2 ha và thôn 2 với diện tích 16,3 ha. Xác định du lịch là hướng đi giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có sinh kế bền vững, cải thiện đời sống, thời gian tới, chính quyền huyện tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực.                           

Tháng 8/2023, UBND huyện An Lão phối hợp với Sở Du lịch tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho 30 người dân làm dịch vụ du lịch trên địa bàn xã An Toàn. Ông Bùi Hữu Chiến - Trưởng bộ môn Du lịch, Khoa Du lịch và Dịch vụ, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, người tham gia giảng dạy trực tiếp, chia sẻ: Chúng tôi tập huấn cho bà con những kỹ năng cơ bản nhất phục vụ khách du lịch. Du lịch và dịch vụ của người dân ở xã An Toàn đã lan tỏa tới nhiều người, nhiều nơi qua những câu chuyện, những trải nghiệm thú vị của du khách. Nhưng, điều lớn hơn cả là khát vọng vươn lên của chính đồng bào Bana, H’re nơi đây khi mạnh dạn làm du lịch cộng đồng, giữ gìn văn hóa tuyền thống đặc trưng các dân tộc trên địa bàn huyện An Lão.

Công Nghĩa

Nguồn: Báo Bình Định - baobinhdinh.vn - Đăng ngày 03/9/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT