Non nước Việt Nam

Chợ phiên San Thàng - bức tranh văn hóa rực rỡ của Lai Châu

Cập nhật: 22/01/2024 15:15:19
Số lần đọc: 639
Chưa đi chợ phiên San Thàng coi như chưa trải nghiệm văn hóa Lai Châu. Câu nói của một người dân bản địa khiến tôi háo hức tìm đến phiên chợ này để rồi vỡ òa trong niềm thích thú, hứng khởi trước sắc màu rực rỡ của đồng bào các dân tộc thiểu số đến chợ.


Người dân tranh thủ khâu thêu thổ cẩm trong lúc vắng khách - nét đẹp văn hóa thường thấy ở các phiên chợ. Ảnh: Bích Nguyên

San Thàng là xã vùng cao của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Chợ phiên San Thàng nằm ngay trên quốc lộ 4D, cách trung tâm thành phố Lai Châu gần 5km. Cho đến bây giờ, không ai nhớ chợ phiên có từ bao giờ mà chỉ nhớ rằng, cứ thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần là tới phiên chợ. Người dân ở các xã lân cận như Tả Làng, Giang Ma và cả những nơi khác đổ về chợ với tâm trạng háo hức, phấn khởi.

Với những trầm tích văn hóa hàng trăm năm lưu giữ trong mình, chợ phiên San Thàng được ví như món quà đầy bất ngờ và thích thú dành tặng những du khách phương xa đã vượt hàng trăm kilomet đến đây. Ấn tượng đầu tiên mà chợ phiên San Thàng mang lại cho tôi là sắc màu rực rỡ từ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở các bản làng xung quanh; là sản vật phong phú của địa phương này.

Mùa Hè, từ khoảng 4-5 giờ sáng, người dân từ khắp nơi đã đổ về chợ phiên San Thàng. Không khí sôi động, nhộn nhịp tăng dần theo ánh mặt trời lên. Đến khoảng thời gian từ 8 giờ đến 10 giờ sáng là chợ đông người nhất, người mua, kẻ bán rồi khách du lịch đi lại tấp nập, đông từ cổng vào tới trong chợ. Giống như nhiều phiên chợ quê khác, bà con các dân tộc đến với chợ đôi khi chỉ mang theo vài bó rau, con gà do gia đình làm ra. Cách bày bán của bà con cũng rất mộc mạc, đơn giản chỉ là chiếc túi dứa hoặc miếng vải bạt trải ra giữa nền chợ, cũng có người làm sạp hàng bằng phản tre hoặc gỗ. Cảm nhận chung của chúng tôi là không khí gần gũi, thân thiện.

Chợ phiên San Thàng bày bán đủ sản vật của núi rừng Lai Châu do đồng bào các dân tộc nuôi, trồng, thu hái như: củ cải, gừng, mật ong, gà đen, măng ớt, các loại rau... Tất cả đều tươi xanh, hấp dẫn. Sà xuống sạp hàng bán các loại rau, chị Nguyễn Thị Hà, du khách đến từ Hà Nội hào hứng cho biết: “Tôi đã đi nhiều chợ phiên, nhưng chợ San Thàng gây ấn tượng mạnh nhất bởi vẫn giữ được những nét đặc sắc, riêng biệt. Không khí ở chợ rất nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng. Người mua và người bán đều rất vui vẻ. Các loại hàng hóa ở đây, đặc biệt là hàng nông sản, rau, củ, quả đều rất tươi, ngon và rẻ. Tôi có may mắn là đều đi Lai Châu vào đúng dịp phiên chợ nên lần nào cũng ghé vào đây mua rau, củ về làm quà cho người thân”.

Còn chị Thanh Hương ở Vĩnh Phúc bị cuốn hút bởi các loại gia vị của người bản địa bày bán trong chợ như ớt thóc, hạt mắc khén, tiêu, hạt dổi, thảo quả. Chị Hường vừa lựa ớt bỏ vào túi, vừa nói với tôi như giới thiệu thay cho người bán hàng: “Các loại gia vị này đều có vị thơm và cay đặc trưng. Tôi thích nhất là loại ớt quả bé xíu nhưng rất cay này. Loại ớt này có thể để trong ngăn mát tủ lạnh một vài tuần mà vẫn tươi và giữ được độ cay. Hôm nay, tôi mua 2kg, một phần để ăn tươi, một phần làm tương ớt và bột ớt khô ăn dần”.

Điều dễ bắt gặp nhất ở chợ San Thàng là hình ảnh những người phụ nữ vừa bán hàng, vừa thoăn thoắt khâu, thêu những miếng vải thổ cẩm mang theo bên mình. Bày xong những củ cải to, gốc còn xanh tươi ra bao dứa đặt trên nền chợ, bà Mùa Thị Sung, dân tộc Mông liền mở túi lấy miếng vải thổ cẩm ra thêu cho hay: “Phụ nữ Mông đã quen tay khâu, thêu rồi nên đi đâu cũng mang theo vải và chỉ khâu. Đi chợ hay đi chơi, chúng tôi đều lấy vải ra thêu những lúc rảnh tay”.

Rực rỡ nhất là phân khu bán các mặt hàng thổ cẩm, trang phục truyền thống. Những bộ váy áo thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Mông, Dao, Giáy, Lự được làm bằng vải thổ cẩm, trang trí những hình họa tiết cắt bằng vải hoặc thêu sặc sỡ thể hiện tính thẩm mỹ và sự khéo léo của phụ nữ dân tộc thiểu số.

San Thàng còn thu hút du khách bởi những gian hàng bày bán các sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc Lai Châu như nhang, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn gác bếp. Bà con còn làm các loại bánh truyền thống, bún, phở tươi ngay tại chợ để phục vụ nhu cầu đa dạng của người mua.

Nhằm đảm bảo tiêu chí vệ sinh, ở chợ San Thàng có phân chia các khu riêng bày bán các loại hàng đặc trưng. Khu vực bán con giống vật nuôi nằm tách biệt ở phía bên cạnh gian chợ trung tâm. Mỗi phiên chợ, ở khu vực này có hàng nghìn con gà, vịt, ngan giống được bán cho người dân. Người bán cho thấy sự chuyên nghiệp khi chuẩn bị nhiều hộp giấy với nhiều loại kích cỡ đảm bảo chứa đủ số lượng con giống mà khách hàng muốn mua. Anh Giàng A Tình chia sẻ: “Tôi thường mua gà và vịt giống ở chợ này về nuôi. Nó phát triển rất tốt. Hôm nay, tôi mua thêm 50 con gà giống về nuôi”.

Không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên San Thàng còn là dịp đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Giáy, Dao, Mông, Lự gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện về cuộc sống sau những ngày lao động vất vả, hoặc trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Đối với khách du lịch, đến với chợ phiên San Thàng, họ không chỉ có cơ hội mua nhiều loại sản vật ngon về làm quà, mà còn được tận hưởng bầu không khí náo nhiệt, cảm nhận, tìm hiểu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngoài chợ ban ngày, San Thàng còn có phiên chợ đêm, chuyên phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách với các món ăn đặc trưng, nhất là thắng cố ngựa. Với những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, hiện chợ phiên San Thàng đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Lai Châu.

Thu Hằng

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 22/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT