Hoạt động của ngành

Bình Thuận: Phát triển du lịch trong các khu bảo tồn biển

Cập nhật: 24/06/2021 15:00:49
Số lần đọc: 664
Trong số 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam được quy hoạch phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2025 của Chính phủ, Bình Thuận có 2 khu bảo tồn biển là Cù Lao Câu (huyện Tuy Phong) và huyện đảo Phú Quý. Bình Thuận đã và đang khai thác tốt những tiềm năng các khu bảo tồn biển này để phát triển du lịch


.

Khu bảo tồn Hòn Cau ở Tuy Phong. Ảnh tư liệu: N.Lân

Tiềm năng

Đảo Phú Quý trước đây là miệng núi lửa, có 2.300ha là thềm lục địa. Điểm cao nhất trên đảo là núi Cấm cao 106m. Hòn đảo được bao quanh bởi đai san hô dày, điểm sâu nhất là 42m. Các vùng nước biển xung quanh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nham thạch. Về phía Tây Bắc đảo, và trong ranh giới khu bảo tồn biển có nhiều dải đá ngầm. Đối với giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn biển đảo Phú Quý, qua điều tra sơ bộ đã ghi nhận được 70 loài thực vật ở cạn, 72 loài tảo biển, 134 loài san hô cứng và 15 loài nhuyễn thể. Có một khu vực san hô rộng lớn ở vùng biển ngoài khơi của đảo Phú Quý, tại đó có các loài Acropora spp và Pocillopora spp chiếm ưu thế. Ngoài khơi xa về tận cùng phía Tây của đảo có dải đá ngầm bằng phẳng rộng tới 600m tạo thành một dải đầm phủ đầy thảm cỏ biển. Ngoài ra, có thông tin là loài bò biển Dugong dugon - sắp bị đe dọa trên toàn cầu đôi khi xuất hiện tại các bãi cỏ biển nhỏ trong khu đề xuất bảo tồn biển Phú Quý.

Cù Lao Câu hay còn gọi là Hòn Cau được các nhà khoa học nghiên cứu và đánh giá là vùng biển có các rạn san hô còn giữ được độ bao phủ cao. Trên 225 loài san hô đã được xác định, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển Cù Lao Câu. Đây cũng là nơi có rùa biển đẻ và đặc biệt là loài trai tai tượng khổng lồ phân bố khắp khu vực này. Ngoài ra, khu vực Cù Lao Câu còn có rất nhiều các loài cá cảnh biển hiếm có. Vì vậy, nếu kết hợp với giữ gìn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái để phục vụ cho du lịch lặn biển, hoặc ngắm san hô qua tàu đáy kính có thể mang lại lợi ích về kinh tế cho ngư dân sống xung quanh khu bảo tồn này. Các rạn san hô ở Cù Lao Câu hầu như chưa bị tác động và có độ che phủ đến khoảng 43%. Đây là vùng có tính đa dạng sinh học cao nhất về khu hệ san hô mềm tại Việt Nam với khoảng hơn 65 chi trong đó có Acropora, Montipora, Porites, Favia và Goniopora. Ngoài ra, ở đây còn có những diện tích nhỏ các trảng cỏ biển.

Hướng phát triển trong tương lai

Trong quy hoạch phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bên cạnh việc tiếp tục khai thác tiềm năng biển, du lịch Bình Thuận còn hướng phát triển mạnh ra các đảo, trong đó có 2 khu bảo tồn biển lớn là Cù Lao Câu và đảo Phú Quý. Để thu hút du khách, Bình Thuận đã xây dựng nhiều tuyến du lịch theo từng đặc điểm, như: Du lịch biển kết hợp thể thao, khám phá đảo, du lịch văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh... trong đó các chuyến du lịch biển đảo gắn kết như Phan Thiết - đảo Phú Quý, Phan Thiết - Cù Lao Câu. Việc kết hợp này sẽ tạo ra thêm nhiều sản phẩm du lịch mới và hấp dẫn cho du khách đến với Bình Thuận.

Vịnh Triều Dương, Phú Quý. Ảnh: N.Lân

Hiện nay, nổi bật nhất là những tuyến du lịch thường xuyên ra đảo Phú Quý. Ngoài thảm thực vật và rạn san hô đa dạng, Phú Quý còn có nhiều bãi tắm hoang sơ thu hút du khách như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc doi mộ Thầy Nại. Bên cạnh đó, với hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa cũng như các lễ hội gắn với tâm linh và phong tục tập quán của người miền biển, loại hình du lịch - văn hóa ở đảo Phú Quý đang được nhiều du khách quan tâm. Phú Quý có 34 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó có 2 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia là chùa Linh Quang và Vạn An Thạnh. Bên cạnh đạo Phật, sự tôn kính của người dân nơi đây còn hướng về khu dinh mộ Thầy Nại gắn với lễ cúng thầy diễn ra vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm với nhiều nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa miền biển và miếu Bà Chúa Bàng Tranh với các lễ cúng giỗ hàng năm. Phú Quý hôm nay còn được du khách biết đến là vùng biển rất thuận lợi để phát triển các môn thể thao trên biển như lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm, dù lượn.

Đối với Cù Lao Câu, với vị thế nằm giữa biển khơi mênh mông sóng vỗ, nơi đây như một kỳ quan đã kết tụ được những giá trị độc đáo và một không gian đầy thơ mộng rất phù hợp cho loại hình du lịch khám phá thiên nhiên. Trên đảo còn phô diễn tài tình sự ngẫu hứng của thiên nhiên, đó là những bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt, bãi Cấy, bãi Miếu… như tấm lụa mềm bằng cát trắng trải dưới chân, những tảng đá lớn chụm đầu vào nhau có thể che được nắng mưa. Đêm trên đảo rất thơ mộng bởi âm vang tiếng sóng ru cùng hàng ngàn ánh đèn tỏa sáng từ Cà Ná, Liên Hương, Bình Thạnh, La Gàn… Tham quan đảo còn là dịp để tìm hiểu những nét văn hóa biển kỳ thú với đền Thánh mẫu Thiên Y Ana, miếu thờ thần Nam Hải tồn tại từ xưa nay và rằm tháng tư hàng năm là ngày hội cúng lễ.

Thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch biển gắn với các khu bảo tồn biển. Với những lợi thế hiện có, Bình Thuận đang tập trung mọi điều kiện để quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch như nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống giao thông đến các đảo; phát triển phương tiện tàu biển, sân bay, bến tàu, hệ thống khách sạn nhà hàng, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn hướng đến mục tiêu cao nhất là đánh thức tiềm năng của 2 khu bảo tồn biển: đảo Phú Quý và Cù Lao Câu./.

Nguyên Vũ

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục