Hoạt động của ngành

Cà Mau: Du lịch - Nâng tầm phố biển

Cập nhật: 25/02/2022 09:24:31
Số lần đọc: 745
Thị trấn Rạch Gốc - “trái tim” của huyện Ngọc Hiển đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Với vị trí đắc địa, là một trong những cửa biển trọng điểm của Cà Mau, nằm trên tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh nối TP Cà Mau - Năm Căn - Ðất Mũi, “trên bến dưới thuyền”, hội tụ nhiều điều kiện để có thể bứt phá trở thành đô thị động lực phía cực Nam Tổ quốc.


Một trong những định hướng chiến lược của thị trấn Rạch Gốc là tập trung nguồn lực, giữ gìn bản sắc văn hoá, phong vị đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế du lịch.

Ông Ðoàn Thanh Sơn, Bí thư Ðảng uỷ thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ: “Phương châm của địa phương là để Nhân dân cùng tham gia, cùng hưởng lợi từ du lịch. Ðể nay mai, Rạch Gốc trở thành một trong những điểm đến có sức hút đối với du khách khắp nơi”.

tích lịch sử - văn hoá quốc gia Bến Vàm Lũng, thị trấn Rạch Gốc, là niềm tự hào và là tài nguyên du lịch của vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân. (Ảnh chụp chuyến về nguồn của Lữ đoàn 962 (tiền thân là Ðoàn 962), trước khi dịch bệnh bùng phát).

Tài nguyên du lịch phong phú

Vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân là nơi ươm mầm, khởi phát truyền thống cách mạng hào hùng của tỉnh Cà Mau trong thời đại Hồ Chí Minh với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Anh hùng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo ngày 13/12/1940. Không thể không nhắc đến di tích Bến Vàm Lũng, nơi con tàu đầu tiên mang tên Phương Ðông 1 của “đoàn tàu không số” khởi đầu huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh trên biển cập bến an toàn ngày 11/10/1962. Nơi đây, những người con ưu tú, kiên trung của Rạch Gốc - Tân Ân như Anh hùng LLVTND Bông Văn Dĩa, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Cứng, cùng biết bao thế hệ giữ trọn tấm lòng son với cách mạng, như lời của lão thành cách mạng Nguyễn Công Trực khẳng định: “Ðất Rạch Gốc - Tân Ân này, Nhân dân một lòng theo Bác Hồ, theo Ðảng, theo cách mạng. Xứ sở này, không một ai theo giặc, phản bội lại lý tưởng ấy”.

Suốt thời kháng chiến chống Mỹ, Rạch Gốc - Tân Ân với những làng rừng căn cứ địa đã chở che cho Ðoàn 962 làm tròn trọng trách tiếp nhận, vận chuyển vũ khí cho khắp chiến trường miền Nam. Nói như lời Ðại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Ðoàn 962, thì: “Ở đất này, mỗi kênh rạch, mỗi cánh rừng, mỗi gia đình đều có công lao với cách mạng”. Rạch Gốc - Tân Ân vì vậy có vốn tài nguyên du lịch giàu có về lịch sử - văn hoá, một lợi thế mà nhìn rộng ra khắp tỉnh Cà Mau, hiếm nơi nào có được.

Ông Huỳnh Thanh Ðảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, thông tin: “Rạch Gốc có cửa biển lớn, kết nối được với cụm đảo Hòn Khoai. Ðường bộ thì nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối với khu du lịch Ðất Mũi. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thì du lịch là một trong những định hướng chiến lược, ưu tiên. Ðịa phương đã có kế hoạch dài hơi để đón đầu xu thế phát triển du lịch, mang lại diện mạo mới, cơ hội phát triển mới cho người dân”.

Theo ông Ðảm, bên cạnh hệ thống di tích lịch sử - văn hoá đặc sắc, vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân còn có nhiều ưu thế khác trong phát triển du lịch. Có thể kể đến nghề di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là muối ba khía với thương hiệu ba khía muối Rạch Gốc trứ danh.

Bên cạnh đó là các làng nghề truyền thống, với các sản vật độc đáo, riêng có của địa phương. Ngoài ra, khả năng phát triển du lịch gắn với hệ sinh thái rừng đước ngập mặn đặc trưng theo mô hình homestay cũng đã được xúc tiến triển khai, nhận được sự ủng hộ của người dân.

Trên thực tế, một số điểm dừng chân cho du khách đã được triển khai tại thị trấn Rạch Gốc, thời gian qua đã mang lại sinh kế, thu nhập đáng kể cho người dân.

Tín hiệu tích cực

Với ý thức gìn giữ bản sắc quê hương, nhiều người dân ở Rạch Gốc coi nghề muối ba khía không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là niềm tự hào vô bờ bến. Tìm gặp ông Năm Bình (ông Lương Văn Bình, Khóm 7), nghe ông kể về nghề muối ba khía mà thêm trân quý giá trị của loại sản vật độc đáo này.

Ông Năm Bình thổ lộ: “Tôi nguyên là lính 962, sau này, nhờ học rồi làm nghề ba khía muối mà cuộc sống dần khá lên. Nghề này nói khó thì không khó, dễ cũng không dễ, nhất nhất phải làm theo cách của người trước truyền lại mới nên hương vị thơm ngon”.

Ông Ðỗ Thanh Bình, Bí thư Chi bộ Khóm 7, cho biết: “Chú Năm Bình là một trong những người tiên phong làm ba khía muối thương phẩm của cả thị trấn Rạch Gốc này. Vừa qua, ông Bình cũng nhận giấy khen của UBND huyện với tư cách là người có công gìn giữ, phát triển nghề muối ba khía Rạch Gốc”.

Trong câu chuyện, ông Năm Bình khoe rằng, nhiều đài truyền hình, tờ báo khắp nơi về tìm hiểu quy trình làm ba khía muối Rạch Gốc.

“Với tôi, việc giới thiệu đặc sản của quê hương với bạn bè khắp nơi là vinh dự, là trách nhiệm, mình thấy tự hào lắm vì không ở đâu có con ba khía muối ngon như ở Rạch Gốc quê mình”, ông Năm Bình xúc động.

Theo ông Nguyễn Thành Thật, Phó chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc, thì: “Nghề muối ba khía, các làng nghề làm đũa, khô, mắm của thị trấn đang được tổ chức hoạt động lại một cách bài bản, chuyên nghiệp, quy củ. Trước tiên là giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động, sau đó là giới thiệu sản phẩm đến với du khách ở các điểm dừng chân hiện có. Về lâu dài là hình thành các hợp tác xã làng nghề, tổ chức tour tuyến tham quan cho khách du lịch. Những người có kinh nghiệm, có uy tín của các làng nghề sẽ được lựa chọn làm hạt nhân để thúc đẩy hướng đi này”.

Trong nỗ lực phát triển du lịch gắn với hệ sinh thái rừng đước ngập mặn đặc trưng, huyện Ngọc Hiển đã lựa chọn khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc để tham khảo ý kiến người dân. Trên cơ sở Hội quán tôm - rừng Rạch Gốc đã hình thành trước đó, Hợp tác xã (HTX) tôm - rừng Rạch Gốc đã trở thành làn gió mới cho khóm vùng ven.

Ông Nguyễn Thanh Tín, Bí thư Chi bộ khóm Rạch Gốc B, chia sẻ: “Ở đây mới lên khóm hồi năm 2021 thôi, trước đó là ấp. Nói là địa bàn thị trấn, nhưng bà con nơi đây bao đời nay kinh tế vẫn là nuôi tôm dưới tán rừng đước”.

HTX hình thành với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, triển khai mô hình nuôi tôm - cua 2 giai đoạn dưới tán rừng đước. Trong tính toán lâu dài, nơi đây sẽ tổ chức các điểm du lịch sinh thái để du khách tham quan, trải nghiệm.

Mô hình tôm - cua 2 giai đoạn dưới tán rừng đước của HTX tôm - rừng Rạch Gốc, khóm Rạch Gốc B được lựa chọn để giữ gìn hệ sinh thái đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch homestay. Ảnh: Chí Hiếu

Theo ông Tín, trước mắt là 56 thành viên của HTX rất đồng tình, bà con trong khóm cũng hết sức quan tâm hướng đi này. "Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển Phạm Chí Hải cũng đã trực tiếp đến, nắm bắt tâm tư tình cảm và động viên người dân của khóm nỗ lực xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với định hướng phát triển du lịch. Khóm Rạch Gốc B cũng đang được đầu tư tuyến lộ ô-tô để kết nối với các trục, tuyến giao thông chính, đón khách trong nay mai", ông Tín thông tin thêm.

Dù đã có tâm thế chuẩn bị, nhưng thị trấn Rạch Gốc vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để biến tiềm năng du lịch thành thế mạnh trọng điểm trong hành trình phát triển. Theo đó, địa phương còn cần sự hỗ trợ để đầu tư hạ tầng cơ sở, chỉnh trang diện mạo, quy hoạch, bố trí dân cư và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.

“Vấn đề là làm sao để người dân tin, cùng làm, cùng phát triển du lịch, hưởng lợi từ du lịch, đó mới là hướng phát triển bền vững”, ông Ðảm bày tỏ./.

 Phạm Quốc Rin

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục