Non nước Việt Nam

Cần có cơ chế tôn vinh cộng đồng bảo vệ, gìn giữ di sản

Cập nhật: 19/01/2024 14:38:36
Số lần đọc: 741
Với việc tiếp thu, kế thừa kỹ năng, tri thức dân gian, nhiều cá nhân, cộng đồng thực hành ở các địa phương nước ta đã và đang khẳng định vai trò trung tâm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Một số cộng đồng đã nỗ lực tự thân duy trì, hồi sinh và đưa các di sản đó đi vào đời sống. Tuy nhiên, chế độ, chính sách vinh danh, đối đãi nhóm đối tượng này chưa thật sự thấu đáo.


Thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam. (Ảnh: Khiếu Minh)

Để di sản thật sự sống và được bảo vệ hiệu quả, bên cạnh vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước, các cá nhân bản địa, cộng đồng thực hành di sản giữ vai trò trung tâm, phát huy tính tự chủ, tìm tòi cách thức gìn giữ và lan toả các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Các cộng đồng Hội Gióng Phù Đổng, cộng đồng kéo co Thạch Bàn, nghề dệt đũi Nam Cao, nghề nặn tò he làng Xuân La... đã phát huy trách nhiệm và vai trò chủ động của cộng đồng trong thực hành và bảo vệ di sản.

Cộng đồng hồi sinh nghề truyền thống

Khó xác định mốc thời gian, nhưng làng nghề nặn con giống bột (tò he) Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đã có từ hàng trăm năm nay. Đã có thời điểm, nghề nặn tò he trầm lắng, đứng trước nguy cơ mai một bởi đây là nghề mang tính thời vụ, chỉ rôm rả dịp trung thu, lễ hội làng nghề hay lễ hội dân gian.

Sau những mùa vụ đó, phần lớn người nặn con giống bột chuyển sang làm nghề khác. Thu nhập ổn định từ nghề phụ khiến nhiều nghệ nhân không quay lại nghề truyền thống. Thêm nữa, năm 2008 cũng là năm khó khăn của người làm nghề nặn tò he khi có quy định cấm bán hàng rong, khiến người làm con giống bột lâm vào khó khăn.

Sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề nặn con giống bột ở làng Xuân La, anh Đặng Văn Hậu đã có gần 30 năm gắn bó nghề. Cùng kỹ thuật nặn con giống bột học được từ ông cha, với đôi bàn tay khéo léo, Đặng Văn Hậu đã tạo nên hàng nghìn con giống bột dung dị. Quá trình làm nghề, anh học hỏi, bồi đắp thêm kỹ năng, kỹ thuật nặn con giống. Chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong nguyên liệu, Đặng Văn Hậu sáng tác nhiều mẫu mã đẹp hơn, gắn với câu chuyện văn hóa dân gian như bộ chợ nổi Nam Bộ, rước đèn trung thu, Ngũ hổ, Hát Bội, tuồng cổ...

Từ một sạp hàng nhỏ ở phố Hàng Mã, các sản phẩm con giống bột giờ đây thường xuyên được trưng bày tại công viên, hội chợ, triển lãm nghề truyền thống. Những con giống bột theo anh ra nước ngoài để quảng bá và giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam. Với nhiều cố gắng và bền bỉ, nghệ nhân trẻ này đã góp phần khôi phục nghề làm con giống bột trước nguy cơ thất truyền. Bước ngoặt trong làm nghề của Đặng Văn Hậu là vào năm 2014, anh cải tiến, thay đổi về nguyên liệu, tìm ra phương thức chống mốc tốt và an toàn cho bột nguyên liệu.

Học hỏi từ các nhà nghiên cứu về công nghiệp thực phẩm, năm 2015 anh sáng chế nguyên liệu đặt tên là Bột nặn quê nhà, khắc phục được nhược điểm của bột nguyên liệu truyền thống nhanh mốc, khô, nứt khiến sản phẩm mất đi vẻ đẹp. Với nguyên liệu bền, không mốc, không phai mầu, Đặng Văn Hậu sáng tác nhiều mẫu mã mới phù hợp xu hướng thị trường, đồng thời trở thành cơ sở cung cấp nguyên liệu cho làng nghề. Từ món đồ chơi dân gian, sản phẩm con giống bột giờ đây được chăm chút tỉ mỉ, mang tính nghệ thuật, được ưa chuộng dùng làm đồ trang trí, quà tặng.

Chia sẻ hành trình nắm giữ, thực hành di sản, sáng tạo phát triển nghề truyền thống nặn con giống bột, Đặng Văn Hậu cho biết: Hà Nội từng có làng nghề làm con giống bột Đồng Xuân, phố Khách... nhưng đã thất truyền. Năm 2014, anh cùng nghệ nhân Trịnh Bách và bà Phạm Thị Nguyệt Ánh - người làm con giống bột cuối cùng ở Đồng Xuân khai thác tư liệu, phục hồi thành công con giống bột của hai làng nghề xưa.

Từ đó, những con giống bột của Đồng Xuân như đôi hài, con cua, con rùa, cá vàng, của phố Khách như bộ tứ linh, tam sư, của Xuân La như con lợn, dê, trâu, gà dân dã... xuất hiện trong đời sống đương đại, khẳng định giá trị và sức sống bền bỉ có nghề truyền thống. Dịp hè, anh mở lớp dạy nghề nặn con giống bột miễn phí cho học sinh. Với lòng yêu mến nghề cha ông, nghệ nhân Đặng Văn Hậu không chỉ cẩn trọng lưu giữ nghề nặn con giống bột mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian, trao truyền các thế hệ sau.

Cũng là người trẻ đam mê nghề truyền thống, chị Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao (Thái Bình) nỗ lực hồi sinh làng nghề dệt đũi Nam Cao. Tháng 11/2023, nghề dệt đũi xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhìn vào thành quả, ít ai hình dung được hành trình gian nan 10 năm về trước, khi chị Hạnh quyết định khởi nghiệp với tơ lụa. Làng nghề ươm tơ, dệt lụa hơn 400 năm tuổi đang đối mặt với nguy cơ biến mất, khung dệt xếp xó, còn vài ba hộ túc tắc giữ nghề. Đôn đáo, ngược xuôi vận động, thuyết phục người dân trở lại làm nghề, mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm, tìm thị trường phân phối sản phẩm, hình thành chuỗi sản xuất cung ứng khép kín, chủ động đưa thợ dệt và sản phẩm tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá làng nghề dệt đũi Nam Cao trong nước và nước ngoài.

Từ ba hộ làm nghề tăng lên 90 hộ vào năm 2016, đến nay, làng đũi Nam Cao có gần 200 hộ làm nghề dệt truyền thống. Năm 2023, làng nghề dệt đũi Nam Cao đón 10.000 lượt du khách quốc tế, chứa đựng tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Xã Nam Cao với nghề dệt đũi truyền thống là điển hình phát triển làng nghề của huyện Kiến Xương và của tỉnh Thái Bình.

Cần có cơ chế tôn vinh cộng đồng thực hành di sản

Di sản văn hóa phi vật thể là di sản sống, vì thế di sản phải gắn với cộng đồng và người thực hành. Nhiều di sản với tiềm năng to lớn nằm trong lòng xã hội và do nhân dân nắm giữ. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có tiêu chí nhận diện cộng đồng xuất sắc, tích cực bảo vệ và gìn giữ giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng như cơ chế khích lệ, động viên các tổ chức, cộng đồng tham gia bảo tồn di sản văn hóa.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó đến nay, di sản này đã khẳng định sức sống bền vững, lan tỏa trong cộng đồng và được cộng đồng chung tay bảo tồn, gìn giữ.

Trước đây, có thời gian hầu đồng bị nhiều ngăn cản, nhưng những thanh đồng, thủ nhang và những người thực hành tín ngưỡng tâm huyết gìn giữ lề lối, truyền dạy bài bản, tín ngưỡng dân gian đã được nhìn nhận đúng đắn. Là một trong những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lâu năm, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tiến Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đạo mẫu Việt Nam nhận định: Đạo Mẫu trở thành di sản bởi sức sống, giá trị văn hóa, tính cộng đồng mạnh mẽ trong thực hành. Cộng đồng là chủ thể văn hóa, là người nắm giữ và thực hành di sản.

Tương tự, nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Để gìn giữ di sản, cộng đồng kéo co ngồi phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội phối kết hợp tổ chức cho học sinh tiểu học và trung học trên địa bàn quận tham gia học, trải nghiệm môn kéo co, cộng đồng thực hành trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn để con em hiểu rõ về văn hóa dân tộc. Ông Ngô Quang Khải, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích đền

Trấn Vũ chia sẻ: Sau 9 năm được ghi danh, cộng đồng kéo co ngồi Thạch Bàn luôn tự nguyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản được ghi danh mà không có bất cứ đòi hỏi nào. Người dân tự thấy trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng khi được trao truyền, giữ gìn di sản quý báu này.

Có thể thấy, di sản văn hóa phi vật thể không thể tồn tại nếu thiếu con người, chủ thể nắm giữ di sản. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu hay chị Lương Thanh Hạnh... vì yêu mến nghề cha ông mà nỗ lực gìn giữ, bảo vệ với tinh thần tự nguyện. Nhiều cộng đồng thực hành di sản đã tự thân vận động, vượt qua khó khăn bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu...

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Sau khi nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh di sản đa quốc gia, chính phủ Hàn Quốc có chính sách xây dựng bảo tàng kéo co, quy hoạch đất, hỗ trợ cộng đồng thiết lập hội kéo co. Còn ở Việt Nam, đến cuối tháng 11/2023, bảy cộng đồng kéo co tại Việt Nam lần đầu gặp gỡ, giao lưu. Làm được nhiều việc, nhưng cho đến nay, cộng đồng kéo co Việt Nam chưa ai được ghi danh, phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú hay nghệ nhân dân gian.

Để bảo vệ hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục được ghi danh, cũng như những di sản có giá trị đang có nguy cơ cao bị mai một, chúng ta cần nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí và công cụ để nhận diện rõ hơn các di sản cần được ưu tiên bảo vệ và xây dựng cơ sở pháp lý để Nhà nước ưu tiên nguồn lực bảo vệ những di sản này.

Bên cạnh đó, cần có chế độ, chính sách tôn vinh vai trò đóng góp của các cộng đồng thực hành gìn giữ di sản. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa năm 2009 cần có điều khoản đáp ứng cơ chế, thừa nhận vai trò, năng lực của cộng đồng trong bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể cũng như chính sách khích lệ những nghệ nhân trẻ tuổi, những người góp phần đưa di sản vào đời sống đương đại cũng như cộng đồng truyền dạy tri thức dân gian cho thế hệ kế cận.

Ngọc Liên

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 19/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT