Non nước Việt Nam

Hà Giang: Lễ hội múa trống dân tộc Giáy

Cập nhật: 15/01/2024 11:08:35
Số lần đọc: 595
Lễ hội múa trống của người Giáy ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được tổ chức một lần duy nhất trong năm, đó là thời khắc đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Giáy, đây là thời điểm đất trời giao thoa, lòng người hạnh phúc. Khi đó, những tiếng trống vang lên tượng trưng cho những lời cầu mong một năm mới sung túc, hạnh phúc, vui tươi của mọi người sẽ được thánh thần nghe thấy.

 Điệu múa trống có sự tham gia của cả đàn ông và phụ nữ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Để chuẩn bị cho lễ hội múa trống, thông thường từ cuối năm, trưởng bản tập hợp dân làng cùng mọi người bàn bạc với thầy cúng để thu xếp cho lễ hội đón năm mới. Lễ vật được người Giáy chuẩn bị đa dạng, phong phú gồm có gà, bánh chưng, thịt treo, rượu, hương… Trong ngày lễ, trưởng bản thực hiện nghi thức xin hạ trống, mỗi gia đình làm một mâm cơm canh, quây quần tập trung và cùng nhau thắp hương, nhảy múa theo điệu trống để cầu xin đất, trời cho mưa thuận, gió hòa, xin thần linh phù hộ cho gia đình, làng xóm được mạnh khỏe, bình an. Các cặp trai gái đại diện cho dân làng, hát những làn điệu truyền thống của đồng bào người Giáy xung quanh trống.

Già trẻ, trai gái trong làng với trang phục truyền thống của dân tộc mình, lần lượt nối theo nhau múa vòng quanh trống. Điệu múa với những động tác đơn giản nhưng vui nhộn, nhằm cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Cùng lúc đó, thầy cúng khấn và dâng lên thần linh những ước vọng của dân làng, như cầu được mùa; trâu bò không bị dịch bệnh; người không ốm đau, làm ăn gặp nhiều may mắn; nhà nhà đủ ăn, đủ mặc, có nhiều thóc, lúa, ngô, khoai…

Trống sẽ được khiêng đến từng nhà, tiếng trống đến nhà nào, nhà đấy sẽ gặp được may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Để đáp lại đoàn rước trống, gia chủ sẽ vui vẻ đi ra, mời đồ ăn, thức uống. Dù có muộn đến thế nào, hôm đó đoàn rước trống cũng sẽ đi đến từng nhà trong bản, tiếng trống thay lời chúc phúc đầu năm, nhà nhà đều hoan hỉ đáp lại. Trống càng đi xa, đoàn rước càng dài, càng nô nức.

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, thầy cúng đại diện cho dân làng khấn tạ ơn, tiễn thần linh về trời và tuyên bố đến giờ vui hội múa trống mừng năm mới. Người dân hòa vào đám hội, cùng múa và rót rượu chung vui. Những mâm lễ của các gia đình được mang ra, họ cùng mời nhau chén rượu đầu năm, cùng múa chung một điệu múa trống, hát cùng nhau những bài hát đối, giao duyên... Tới chiều muộn, các gia đình mới trở về nhà mình.

Việc duy trì tổ chức lễ hội múa trống là hoạt động thiết thực nhằm “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Giáy đến với người dân và du khách. 

Hoàng Minh

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Ngày 15/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT