Non nước Việt Nam

Chùa Bắc Mã, Quảng Ninh

Cập nhật: 18/08/2020 09:53:28
Số lần đọc: 1025
Nằm ở vùng quê có truyền thống cách mạng Đông Triều, chùa Bắc Mã  không chỉ là danh lam cổ tự mà còn là di tích lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.


Chùa Bắc Mã - một trong các di tích của Đệ tứ Chiến khu Đông Triều.

Từ trung tâm thị xã Đông Triều đến chùa Bắc Mã khoảng 7km, mất khoảng 11 phút di chuyển bằng ô tô trên tuyến đường nhựa rộng rãi. Đây cũng là một điểm nhấn trong hành trình tham quan tuyến du lịch Đệ tứ chiến khu Đông Triều, khám phá các di tích lịch sử như: đền An Biên thờ nữ tướng Lê Chân; chùa Hổ Lao, Đồn Cao và Cụm di tích lịch sử cách mạng khu mỏ than Mạo Khê…

Chùa Bắc Mã còn có tên là Phúc Chí tự. Chùa nhìn ra hướng Tây, có khung cảnh đẹp, non nước hữu tình. Trước mặt chùa qua một vườn bia tháp là một mặt hồ rộng hình bán nguyệt và cánh đồng rộng mênh mông. Theo các cụ cao niên ở Bắc Mã thì xưa chùa rất rộng lớn, trên 20 mẫu và rất linh thiêng. Theo các văn bia, thư tịch cổ thì chùa đã có từ thời Trần, được trùng tu lớn vào thời nhà Lê và Nguyễn. Đặc biệt, vào năm 1926, chùa được xây lại quy mô lớn hơn, thành một ngôi chùa rộng, đẹp. 

Chùa Bắc Mã được biết đến nhiều hơn là một cơ sở cách mạng thời kỳ tiền Cách mạng Tháng Tám 1945. Tháng 4/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị quân sự cách mạng ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) quyết định thành lập 7 chiến khu trong cả nước. Thực hiện quyết định của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã đề ra chủ trương xây dựng Chiến khu Trần Hưng Đạo ở vùng Đông Bắc.


Chùa Bắc Mã được đầu tư tôn tạo khang trang và giữ được nhiều hiện vật quý.

Chiến khu Trần Hưng Đạo bao gồm vùng duyên hải Bắc Bộ còn gọi là Đệ tứ Chiến khu hay Chiến khu Đông Triều. Trong thời gian chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Bắc Mã là trụ sở đi về, hội họp của các thành viên ban lãnh đạo Chiến khu, trạm đón nhận cán bộ Việt Minh, thanh niên yêu nước từ các nơi tìm đến.

Chùa còn là trung tâm chuẩn bị về mặt hậu cần và địa điểm tập kết các lực lượng chủ yếu cho cuộc khởi nghĩa. Tại đây, sư Tuệ (Nguyễn Văn Tuệ) cùng những người tham gia thành lập Đệ tứ Chiến khu như Hải Thanh, Nguyễn Công Hòa, Trần Cung và Nguyễn Bình (sau này là Trung tướng) đã gây dựng lực lượng, gây dựng cơ sở, chuẩn bị cho khởi nghĩa. Tại đây, sư Thuyên và sư Tuệ đã đảm nhiệm vụ tiếp nhận lương thực, thực phẩm của nhân dân quanh vùng gửi đến, đồng thời cũng đảm nhiệm việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho gần một trăm quân khởi nghĩa sẽ tập trung về đây…


Chùa Bắc Mã là nơi tham quan, học tập, giáo dục truyền thống cách mạng bổ ích cho giới trẻ.

Chùa Bắc Mã với một thế rất lợi hại đã giữ vị trí quan trọng trong quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Triều, là nơi xuất quân của nghĩa quân. Chùa trở thành một địa danh gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của Đông Triều, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, cùng nhân dân địa phương trong tỉnh và cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Từ thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Triều là tiền đề để Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều được thành lập ngày 8/6/1945.

Tháng 6/2020, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Đệ tứ Chiến khu, chùa Bắc Mã đã được tỉnh đầu tư tôn tạo, mở rộng với tổng trị giá khoảng 30 tỷ đồng. Hiện chùa Bắc Mã có diện mạo mới khang trang.

Tới chùa Bắc Mã, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu các tư liệu lịch sử về những ngày đầu thành lập Chiến khu Đông Triều. Trong không khí những ngày tháng tám lịch sử này, chùa Bắc Mã hẳn sẽ là một điểm đến ý nghĩa để du khách, nhất là giới trẻ thêm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương Đông Triều nói riêng, Quảng Ninh nói chung.

 Hà Phong

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT