Hoạt động của ngành

Đà Nẵng: Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền

Cập nhật: 21/05/2024 16:27:59
Số lần đọc: 428
UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt kết quả nghiên cứu đề án Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.


Mục tiêu của đề án nhằm định hướng và xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp và dịch vụ du thuyền tại thành phố Đà Nẵng theo từng thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết nêu rõ: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”.

Ngành công nghiệp du thuyền sẽ mở ra hướng phát triển mới cho du lịch TP Đà Nẵng

Qua đó xác định cùng với sự phát triển du lịch, du thuyền sẽ trở thành hướng đi mới trong phát triển du lịch biển và đường thủy nội địa ở Đà Nẵng.

Việc xây dựng đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” là cần thiết, góp phần tạo động lực phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng, nhất là phát triển du lịch vốn là ưu thế của thành phố.

Trong đề án, Sở Công Thương Đà Nẵng nhận định, phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền là cần thiết nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tìm kiếm động lực phát triển mới cho thành phố. 

Đà Nẵng có thuận lợi về hệ thống sông, vùng hạ lưu sông Đà Nẵng có bờ biển dài khoảng 74km, có vịnh nước sâu với cảng biển Tiên Sa, có thềm lục địa với độ sâu 200m, tạo thành vành đai nước nông rộng lớn thích hợp cho phát triển kinh tế tổng hợp biển và giao lưu với nước ngoài.

Ngoài ra, bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp như Non Nước, Mỹ Khê, Thanh Khê, Nam Ô, Làng Vân... với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, có giá trị lớn cho phát triển du lịch và nghỉ dưỡng.

Nằm trên một trong những tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế, thành phố Đà Nẵng có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Trên phạm vi khu vực và quốc tế, thành phố Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là cảng biển Tiên Sa.

 Với lợi thế sẵn có, nhu cầu về phát triển du lịch trên sông đã được thành phố Đà Nẵng có đầu tư, trong đó tập trung khai thác những thế mạnh du lịch mang tính đặc trưng như nhà hàng nổi, du lịch đêm, du thuyền. Gắn với chuỗi dịch vụ phụ trợ như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ kết nối vận tải đa phương thức với du thuyền... để thu hút khách.

Dù có định hướng, nhưng trên thực tế du lịch đường thủy nội địa và đường biển chưa được khai thác đúng mức. Đà Nẵng vẫn còn thiếu các sản phẩm du lịch đường thủy, chưa có nhiều tuyến đường thủy được đưa vào khai thác du lịch, thiếu các khu neo đậu cho các tàu thuyền, thiếu các dịch vụ tiện nghi tại các cảng, bến phục vụ khách du lịch.

Minh Châu

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Ngày 21/05/2024

Cùng chuyên mục