Hoạt động của ngành

Kon Tum: Lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống

Cập nhật: 21/05/2024 16:38:28
Số lần đọc: 518
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.


Huyện Ngọc Hồi là nơi hội tụ 17 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên nền văn hóa phong phú, đa sắc màu. Từ nhiều năm nay, huyện luôn coi việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh trao tặng hàng chục bộ cồng chiêng, hàng trăm trang phục truyền thống cho các thôn, làng và một số trường học. Tổ chức nhiều lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh - thiếu niên, học sinh; dạy chỉnh chiêng cho nghệ nhân trẻ; tổ chức biểu diễn cồng chiêng định kỳ nhằm phục vụ cộng đồng và du khách; mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát; chú trọng việc sưu tầm, ghi chép, thống kê, lưu trữ  bài chiêng cổ, hệ thống nghi lễ vòng đời con người, nghi lễ nông nghiệp của các dân tộc trên địa bàn.

Với việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa cồng chiêng, múa xoang, nhiều thôn, làng duy trì tập luyện, sinh hoạt. Ảnh: M.V

Xã Sa Loong được đánh giá là một điểm sáng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS tại huyện Ngọc Hồi. Những năm qua, xã Sa Loong đã chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi triển khai phục dựng lại nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca, nghề dệt thổ cẩm và đan lát cho thanh- thiếu niên tại các thôn, làng. Định kỳ 2 năm một lần, xã tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc với nhiều hoạt động đặc sắc như diễn tấu cồng chiêng, thi giã gạo nhanh, đan lát truyền thống, dệt thổ cẩm, hát dân ca và các hoạt động thể thao khác.

Ông Nguyễn Thành Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết: “Không chỉ dân tộc Xơ Đăng mà các dân tộc khác như Mường, Thái cũng đang làm rất tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Nhiều nghi lễ nông nghiệp được đồng bào nơi đây tổ chức như Lễ mừng cơm mới, Lễ mừng lúa mới, Lễ chuyển về làng mới. Vừa qua, tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Ngọc Hồi lần thứ V năm 2024, đoàn nghệ nhân của xã đã tái hiện Lễ chuyển về làng mới của dân tộc Xơ Đăng; đạt giải Nhất Hội thi trình diễn cồng chiêng - xoang các dân tộc và giải Nhất toàn đoàn trong Ngày hội”.

Còn tại xã Đăk Ang, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc cũng được địa phương triển khai nhiều giải pháp từ tăng cường tuyên truyền đến tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ. Nhờ vậy, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng; lễ hội văn hóa dân gian của đồng bào miền Trung và các lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc phía Bắc trên địa bàn xã đã được khơi dậy, tạo thành một bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú.

Đặc biệt, xã Đăk Ang đã vận động các nguồn xã hội hóa mua 2 bộ cồng chiêng cho thôn Đăk Blái, thôn Long Dôn; tích cực tổ chức nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh - thiếu niên trong các thôn, làng có đông đồng bào dân tộc Xơ Đăng, Gié - Triêng. Nhờ đó, cồng chiêng ở các thôn, làng trên địa bàn xã được gìn giữ.

Nét đẹp văn hóa thổ cẩm đặc trưng của các dân tộc được lưu giữ và phát huy. Ảnh: MV

Ngoài ra, người Xơ Đăng ở xã Đăk Ang còn phát huy nét đẹp dân tộc qua việc mặc và duy trì nghề dệt truyền thống. Đây cũng là nghề tạo thu nhập ổn định cho nhiều chị em. Như chị Y Dứa (42 tuổi, ở thôn Long Dôn, xã Đăk Ang) là nghệ nhân dệt thổ cẩm trẻ tuổi có tiếng trong vùng với hơn 10 năm dệt trang phục truyền thống của người Xơ Đăng. Vào những dịp lễ, tết chị cung cấp khoảng 10 - 20 bộ quần áo truyền thống cho nhiều khách hàng trong và ngoài xã. Bên cạnh bộ trang phục truyền thống nguyên bản, chị còn cách tân phù hợp với lối sống hiện đại mà vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống nên được nhiều người ưa chuộng.

Theo ông Bùi Viết Sỹ - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi, nhờ sự quan tâm của HĐND, UBND huyện, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2021-2025, huyện Ngọc Hồi có thêm nguồn lực để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS đó là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Huyện sẽ vận dụng nguồn lực này để xây dựng thiết chế văn hóa; phát triển du lịch cộng đồng thôn, làng đồng bào DTTS; sưu tầm, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc; tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng - xoang, nghề dệt thổ cẩm, đán lát và phục dựng nghi lễ, lễ hội.

Mai Vàng

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.vn - Đăng ngày 21/5/2024

Cùng chuyên mục