Hoạt động của ngành

Đắk Lắk: Kích cầu du lịch từ những “bảo tàng” tư nhân

Cập nhật: 12/07/2022 05:55:09
Số lần đọc: 609
Thực tế cho thấy sản phẩm du lịch Đắk Lắk còn khá đơn điệu, chưa thật sự chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách.  


Vì vậy, thời gian lưu trú của “thượng đế” đến đây còn ít. Nhiều người cho rằng cần kết nối các tour/điểm gắn với sản phẩm du lịch cùng hệ lại với nhau nhằm khắc phục hạn chế trên, đồng thời gia tăng cảm xúc cho du khách, cũng như chuỗi giá trị kinh tế cho ngành “công nghiệp không khói” này.

Anh Võ Minh Luân, chủ sở hữu “Ngôi nhà Chóe đại ngàn” (số 20 Hải Triều, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Ví như du lịch văn hóa hiện có trên địa bàn thành phố - ngoài những điểm đến lâu nay mà du khách biết đến như buôn Akô Dhông, Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam, Ea Kao, Suối Ong, Đồi Trầm... cũng chỉ mới thỏa mãn phần nào cho những ai muốn khám phá và trải nghiệm vùng đất giàu bản sắc này. Còn để hiểu biết sâu sắc hơn, cần phải mở rộng biên độ cung cấp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng dưới góc nhìn là sản phẩm du lịch cùng hệ, hay cùng sở thích.

Nói cách khác, nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch ở đây (bao gồm các khu/điểm, hãng lữ hành) nên ngồi lại với nhau để thực hiện mục tiêu ấy. Nói như anh Luân, “bàn tròn” này hết sức cần thiết bởi qua đó không những góp phần làm sinh động một sản phẩm du lịch nào đó, mà còn tạo được “cú hích” phát triển cho cả cộng đồng làm du lịch.

Chóe được trưng bày, giới thiệu tại "Ngôi nhà Chóe đại ngàn".

Có thể dẫn ra nhu cầu tìm hiểu về “Văn hóa chóe” của Tây Nguyên chẳng hạn. Đến với “Ngôi nhà Chóe đại ngàn” du khách sẽ hiểu thêm và có cảm nhận sâu sắc hơn về Chóe Tây Nguyên - từ nguồn gốc, hành trang lịch sử, văn hóa được chủ nhân của nó dày công sưu tập, giới thiệu và trình bày.

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho rằng gạch nối ấy (từ Bảo tàng đến “Ngôi nhà Chóe đại ngàn”) là sự kết nối tích cực và hoàn hảo để quảng bá, thu hút du khách đến đây tìm hiểu, khám phá sản phẩm du lịch đặc sắc như thế. Tương tự, để trải nghiệm với âm nhạc tre nứa của các tộc người thiểu số Tây Nguyên thì đến với không gian trưng bày và chế tác nhạc cụ truyền thống của nghệ nhân Nguyễn Đức (thôn 5, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột).

Tại đây, du khách không những được nhìn ngắm như trong Bảo tàng Đắk Lắk, mà còn được tự tay thực hành, biểu diễn những nhạc cụ mình yêu thích - từ các loại đàn, sáo, kèn, mõ... nguyên thủy cho đến cách điệu, sáng tạo mới trong môi trường diễn tấu hiện đại, qua đó cảm nhận đầy đủ và trọn vẹn hơn loại hình âm nhạc độc đáo này.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại không gian chế tác, giới thiệu nhạc cụ tre nứa của nghệ nhân Nguyễn Đức.

Theo ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk thì một số nơi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được xem như "bảo tàng" văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của tư nhân, như: Tâm An Viên (phường Tân Lợi) của vợ chồng bà Lê Thị Lý; Tụ điểm sinh hoạt văn hóa, ẩm thực cộng đồng Ea Bông (xã Cư Êbur) của nghệ nhân Y Thim Byă; Bảo tàng hóa thạch cổ sinh (599 Lê Duẩn, phường Ea Tam) của nhà sưu tập Hoàng Thành... sẽ là những “vệ tinh” đáng được khai thác và kích cầu ngành du lịch địa phương phát triển, nếu như Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch ở Đắk Lắk bắt tay liên kết một cách bài bản, chặt chẽ để cung cấp cho du khách nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, sinh động và có chiều sâu hơn. Và hơn thế là nhằm góp phần làm phong phú thêm bức tranh du lịch ở đây, thỏa mãn không ngừng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách, từng bước nâng cao thời gian lưu trú, cũng như doanh thu bền vững cho toàn ngành kinh tế quan trọng này.

Phương Đình

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 10/7/2022

Cùng chuyên mục