Hành trang lữ khách

Đền Trần ở Phố Hiến

Cập nhật: 20/08/2020 10:04:56
Số lần đọc: 647
Dịp cuối tuần, cậu bạn từng học cùng đại học rủ tôi về quê bạn ở Hưng Yên chơi. Đi phương tiện gì nhỉ? Xe máy đi. Nhất trí! Từ Hà Nội về Hưng Yên cũng gần, đường sá cũng rộng rãi nữa.

 


Cổng tam quan đền Trần ở Phố Hiến (Hưng Yên).

Vừa đi, cậu bạn vừa kể về vùng đất Hưng Yên. Nào là Văn Giang là đất trồng quất cảnh. Vùng nhãn trồng tập trung chủ yếu tại Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ và TP Hưng Yên. Thôi đi ông ạ, tôi về Hưng Yên ít chắc-tôi đùa cậu bạn. Bạn tôi tiếp lời, vậy hôm nay tôi sẽ mời bạn đến nơi này khá đặc biệt, chắc là bạn chưa tới đâu.

Tôi khá bất ngờ khi cậu bạn đưa tôi đi tham quan đền Trần (thuộc phường Quang Trung, TP Hưng Yên). Như giải tỏa nỗi băn khoăn trong lòng tôi, cậu bạn chia sẻ, đền Trần ở Phố Hiến khá đặc biệt so với các đền Trần khác trên cả nước. Bởi nơi đây thờ gia quyến, thân phụ, thân mẫu của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và các thuộc tướng của ông. Sở dĩ nói đền này đặc biệt bởi cha của Trần Hưng Đạo, tức Hoài vương Trần Liễu vốn ít được thờ phụng vì liên quan đến những rối ren thời đầu nhà Trần. 

Từ xưa, đền Trần ở Phố Hiến đã đóng vai trò thông điệp trấn quốc và chủ thể quốc gia đối với một vùng đất có cả người người gốc Hoa tá túc, buôn bán. Ngôi đền được khởi dựng từ sớm, trên mảnh đất có địa thế quân sự quan trọng, xưa kia là nơi Hưng Đạo đại vương chọn làm cứ địa đóng quân trong thời kỳ chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13, bởi nơi đây hội tụ của 3 dòng sông: Sông Hồng, sông Châu, sông Luộc. Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam gồm 3 tòa: Tiền tế, trung từ và hậu cung. Từ ngoài vào là nghi môn được xây dựng kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, gồm 3 cửa, cửa vòm cuốn, mái lợp ngói giả ống, trên có đắp 4 chữ “Kiếm Khí Đấu Quang” có nghĩa là “Tinh thần yêu nước tỏa sáng”. Tòa tiền tế gồm 5 gian, kết cấu gỗ theo kiểu “chồng rường đấu sen”, được chạm hình đầu rồng cách điệu, cột cái và cột quân được kê trên những chân bằng đá tạo cho di tích thêm phần uy linh, vững chắc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đền Trần ở Phố Hiến hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật, trong đó có 8 sắc phong, 5 bia đá, 40 pho tượng... Hằng năm, lễ hội đền Trần ở Phố Hiến được tổ chức hai lần, vào mồng 8 tháng 3 âm lịch để kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và ngày 20 tháng 8 âm lịch kỷ niệm ngày mất của Hưng Đạo đại vương. Trong các ngày hội sẽ diễn ra tế lễ, rước kiệu du hành và tổ chức thi làm bánh dày, bánh chưng, thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương về tham dự.

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Cùng chuyên mục