Non nước Việt Nam

Di sản văn hóa Lời nói vần của người Ê Đê

Cập nhật: 27/01/2023 08:06:20
Số lần đọc: 662
Năm 2022 vừa qua, lời nói vần của người Ê đê ở huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với người Ê đê, lời nói vần là thể loại văn học truyền miệng đầy chất trữ tình.  


Trong ngôi nhà dài truyền thống, bên bếp lửa bập bùng và ché rượu sum họp ngày đầu xuân, nghệ nhân ưu tú Y Wang Hwing, ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk chậm rãi thổi tiêu và hát “kứt”. Nội dung lời hát là lời răn dạy con cháu phải biết chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng giàu đẹp. Lời hát chậm rãi, da diết vừa như tâm sự vừa khuyên răn.

Lời nói vần có thể được diễn xướng khi quây quần bên ché rượu cần.

Điệu “kứt” là một trong các hình thức thể hiện của lời nói vần, tiếng Ê Đê gọi là “Klei duê”. Theo đó, “Klei” có nghĩa là lời nói, “Duê” có nghĩa là nối kết. Klei duê là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. Trước kia, lời nói vần xuất hiện khá phổ biến trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của người Ê Đê. Thể hiện trong tất cả thể loại văn học dân gian như: Truyện cổ tích, lời khấn thần, luật tục, câu đố, khan, kứt, eirei. Nội dung đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được đúc kết và truyền dạy từ đời này sang đời khác.

Lời nói vần không bắt buộc không gian diễn xướng, có thể sử dụng trong lúc nghỉ ngơi sau giờ làm nương rẫy, khi đi lấy nước, khi anh em, bạn bè gặp gỡ tâm tình bên ché rượu cần hay khi người già răn dạy con cháu. Khi diễn xướng có thể được phụ họa thêm nhạc cụ và thể hiện với nhiều hình thức. Người diễn xướng tùy vào tâm trạng, câu chuyện, hoàn cảnh mà biến tấu, sáng tạo thành những vần, điệu với âm hưởng nhịp nhàng, ngân nga để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Bởi thế mà dù không biết viết, biết đọc, chưa từng học qua trường lớp, một số người trẻ có năng khiếu vẫn có thể thuộc lòng và diễn xướng được những bài khan, kứt, eirei có dung lượng lớn, hát kể từ đêm này qua đêm khác mới kết thúc.

Như trường hợp chị H Nai Niê, ở buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk: "Tôi nghe từng đoạn và nhẩm hát theo. Đi đâu tôi cũng nhẩm hát từng đoạn ngắn để thuộc và biết cách hát. Tôi chỉ thuộc bằng cách ghi nhớ vào đầu vậy thôi chứ không biết chữ nên không ghi chép ra được. Lời nói vần, nhất là lời nói vần cổ thì tôi sẽ truyền dạy lại cho các con cháu và anh em họ hàng những ai thích học, muốn học và hát để con cháu mình nghe và biết".

Nghệ nhân ưu tú Y Wang H Wing (thứ 2 từ trái qua) vừa thổi tiêu vừa hát kứt.

Người Ê Đê rất coi trọng những người biết nhiều về văn vần, đã có câu thơ rằng: “Người có môi thần cho/ Miệng thần tạo/ Tai dính chặt với đầu/ Là người có tài hát kứt, eirei”. Người diễn xướng lời nói vần là người am hiểu về văn hóa, phong tục, hoạt ngôn và giỏi sử dụng ngôn từ, chuyển tải một cách cô đọng và ngắn gọn những kinh nghiệm đã được đúc kết qua nhiều thế hệ. Đó có thể là kinh nghiệm về thiên nhiên, như việc xem thời tiết, cây cỏ, chim muông để biết thời vụ gieo trồng, gặt hái, đoán ngày tốt, ngày xấu. Cũng có thể là kinh nghiệm về xã hội và con người, như cách ứng xử trong gia đình và xã hội, phong tục, tập quán. May mắn được tiếp xúc với loại hình hát kể sử thi từ khi còn nhỏ, đến nay, nghệ nhân trẻ Y Đhin Niê, ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar đã học thuộc và diễn xướng được một số sử thi như Truyện chàng Dam Yi, truyền thuyết Y Kung Y Dang.

"Tôi được nghe về những bài dân ca theo lối nói vần của ông bà, những câu chuyện cổ tích, tôi có những sự thích thú đặc biệt. Bản thân tôi chỉ được các bác nghệ nhân cao tuổi truyền dạy lại được một phần thôi, muốn học thêm nhiều nhưng không có ai truyền dạy nữa. Tôi cũng mong muốn lưu giữ lại những lời nói vần này, lưu giữ và truyền lại những câu chuyện cổ, cách nói vần của ông bà cho con cháu".

Tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay vẫn còn nhiều nghệ nhân am hiểu và tích cực lưu giữ lời nói vần của người Ê Đê, trong đó, tại xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, nơi được xem là “cái nôi” của văn hóa truyền thống Ê Đê, hiện có hơn 300 nghệ nhân biết diễn xướng lời nói vần và hát dân ca. Qua quá trình khảo sát, sưu tầm, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn xã Ea Tul để lập hồ sơ khoa học về di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với loại hình Ngữ văn dân gian Lời nói vần.

Với việc được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận lời nói vần của người Ê đê huyện Cư Mgar là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 1840, ngày 4/8/2022, đã mở ra triển vọng để loại hình văn hóa dân gian này được bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa tại địa phương.

Ông A Mang, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Với việc Lời nói vần được công bố là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chúng tôi càng tích cực tuyên truyền cho người dân gìn giữ văn hóa truyền thống, truyền lại cho con cháu di sản lời nói vần để lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc".

Người Ê Đê từng có câu “Cuộc sống thiếu tiếng khan, tiếng hát kứt, eirei như bữa ăn thiếu cơm thiếu muối”, cho thấy tầm quan trọng của lời nói vần trong đời sống và văn hóa của người Ê Đê. Không chỉ là loại hình sinh hoạt văn hóa, người Ê Đê dùng lời nói vần như một kho tàng tri thức văn hóa, để giao tiếp, trao đổi tâm tư, gửi gắm nguyện vọng và răn dạy con cháu, truyền lại cho các thế hệ bằng những câu văn, lời hát cô đọng, sâu sắc./.

H Xíu

Nguồn: Báo Điện tử VOV- vov.vn - Đăng ngày 27/01/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT