Non nước Việt Nam

Gia Lai: Ya Hội-Vùng đất đa sắc màu văn hóa

Cập nhật: 18/01/2023 12:46:59
Số lần đọc: 658
Xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) có núi non bao bọc và nhiều dòng suối chảy qua. Đó vừa là điều kiện nuôi dưỡng, phát triển vừa bảo vệ bản sắc văn hóa của người bản địa trước những tác động bên ngoài.  


Người Bahnar là cư dân bản địa sinh sống lâu đời nhất ở vùng đất Ya Hội, là một trong những chủ nhân giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng. Theo thống kê của ngành Văn hóa, trong số 20 nghệ nhân hát kể sử thi của tỉnh thì nơi này đã có 3 người là Đinh Tim, Đinh Yie và Nhưr (đã qua đời). Những “báu vật nhân văn” này được trao danh hiệu cao quý Nghệ nhân Ưu tú trong đợt đầu tiên (năm 2015) của Nhà nước. Hai nghệ nhân Tim và Yie tuy đã già yếu, nhưng luôn sẵn lòng hát kể nếu khách về làng muốn được sống trong không gian huyền thoại của những áng sử thi; đồng thời tham gia các lớp truyền dạy sử thi cho thế hệ trẻ do địa phương tổ chức. Nghệ nhân Ưu tú Đinh Yie cho hay: “Hát kể sử thi rất khó thực hành, nhưng mình hy vọng thế hệ trẻ Bahnar có thể thấy được vẻ đẹp tinh thần của cha ông qua sử thi để tiếp bước, gìn giữ và phát huy giá trị phù hợp với lối sống mới”.

Điệu múa khèn của các chàng trai, cô gái Mông ở xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Ảnh: Minh Châu

Về Ya Hội những ngày cuối năm, lại thấy hơi thở của mùa xuân đã thấm đẫm trong nhịp sống vừa bình lặng, vừa rộn rã thanh âm cồng chiêng. Chầm chậm đi sâu vào những ngôi làng, thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp từng nhóm người dân quây quần bên ghè rượu để “ăn lúa mới”. Chị Đinh Thị Thiên (làng Brang Đak Kliết) cho biết: Năm nay, làng tổ chức lễ mừng lúa mới chung 1 ngày. Dân làng tụ tập đông vui, ăn cơm mới, uống rượu ghè và chúc nhau những điều tốt đẹp. Một số làng khác tổ chức gói gọn trong phạm vi gia đình, nhà nào thu lúa rẫy xong trước thì tổ chức ăn lúa mới trước. Bởi vậy, có những làng ăn lúa mới suốt cả tháng vì ngày nào cũng có nhà tổ chức. “Người Bahnar ở Ya Hội không nhà nào không trồng lúa rẫy. Dựa vào chu kỳ của vụ lúa rẫy người Bahnar tổ chức lễ hội chứ không tính tháng, tính năm. Cứ thu lúa rẫy xong là ăn lúa mới, sau đó là mừng năm mới. Sau Tết cổ truyền, các làng cúng cầu mưa để chuẩn bị mùa vụ mới”-chị Thiên chia sẻ.

Cô gái trẻ người Bahnar còn cho biết thêm, canh tác lúa rẫy đối với bà con còn hơn cả một tập quán. “Ở đây, nhà nào làm ít lúa rẫy nhất cũng được 1-2 sào, nhiều thì có khi cả một vạt đồi. Làm lúa rẫy năng suất rất thấp, nhà mình làm 2 sào, trồng 7-8 tháng chỉ thu được khoảng 5 bao lúa. Nhưng bà con mình quen rồi. Lúa rẫy gắn liền với các lễ hội truyền thống, để người Bahnar tạ ơn các vị thần linh ban cho được mùa, một năm bình an, có sức khỏe để lao động sản xuất”-chị Thiên cho biết.

Nghệ nhân Ưu tú Đinh Yie thì nói về lúa rẫy một cách triết lý hơn. Ông cho rằng, cây lúa là nơi cư ngụ của Yàng Lúa. Từ hàng ngàn năm nay, người Bahnar đã trải qua bao mùa lúa rẫy với những lễ hội gắn với cây lúa, với đời sống nông nghiệp. “Hồi mình làm cán bộ xã đi vận động bà con trồng thêm cây lúa nước để tăng năng suất, chống đói cũng không buộc bà con bỏ ngay lúa rẫy. Vì để thích nghi thành công với lúa nước là một quá trình và vì phong tục tập quán đã hình thành lâu đời”-ông nói.

Không chỉ thấm đẫm văn hóa của cư dân bản địa, Ya Hội còn là vùng đất có nhiều dân tộc cư trú, đặc biệt là sự có mặt của người Mông hơn 40 năm qua. Các thế hệ người Mông đã trở thành một phần không thể thiếu của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần làm phong phú văn hóa cho vùng đất Đông Trường Sơn này.

Lễ mừng lúa mới của người Bahnar ở xã Ya Hội. Ảnh: Minh Châu

Vào sâu trong những dãy núi điệp trùng ở Ya Hội, chỉ dấu đầu tiên cho văn hóa của người Mông là những ngôi nhà 3 gian mái ngói vững chãi nằm trên những đỉnh đồi hay sườn dốc. Định cư ở vùng đất mới nhiều chục năm, người Mông vẫn giữ gìn những giá trị văn hóa đặc trưng như một sự kết nối bền chặt với nguồn cội. Trong ngày hội di sản văn hóa năm 2022 do Bảo tàng tỉnh tổ chức, người Mông ở vùng đất Ya Hội đã tạo ấn tượng đẹp và nổi bật từ trang phục sặc sỡ, đính kết cầu kỳ đẹp mắt, đến những điệu múa khèn đầy mê hoặc. Trò chơi ném còn, nhảy sạp và những giá trị độc đáo trong ẩm thực truyền thống của họ cũng thu hút sự chú ý, lôi cuốn sự tham gia của đông đảo người dân, du khách.

Chị Đào Thị Dương thuộc thế hệ thứ 3 của người Mông sinh sống ở vùng đất Ya Hội. Chị cũng là thành viên trong đội múa khèn gồm những chàng trai, cô gái thế hệ 9X. Chị Dương tự hào cho biết, nghệ thuật múa khèn của người Mông là loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Ngày xuân, trai gái thường theo tiếng khèn để gặp gỡ, hẹn hò, rồi cùng nhau say sưa trong điệu múa tiếng khèn. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình người Mông khác, dù sinh sống trên vùng đất mới nhiều chục năm qua nhưng vẫn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình”-chị Dương tâm sự.

Để khích lệ người Mông gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, địa phương đã tạo cơ hội để họ “tiếp thị” văn hóa tại các sự kiện của huyện như hội chợ nông sản, giao lưu văn hóa-văn nghệ của huyện, tham gia ngày hội di sản của tỉnh… Bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: “Sự đa dạng về văn hóa là lợi thế để huyện Đak Pơ gắn công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng”.

Minh Châu

Nguồn: Báo Gia Lai - baogialai.com.vn - Đăng ngày 18/01/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT