Non nước Việt Nam

Di tích lịch sử đền Giếng Đá (Thanh Hóa) - nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu

Cập nhật: 08/06/2020 08:44:09
Số lần đọc: 1117
Xưa kia, ở gần ngôi đền có một cái giếng (ban đầu được xây bằng đá), có nguồn nước rất trong và dồi dào cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân và tưới tiêu cho cả vùng.

 


Cái giếng có ý nghĩa với đời sống sinh hoạt của người dân trong Di tích lịch sử đền Giếng Đá, xã Thành Tâm (Thạch Thành).

Cái giếng đã gắn bó lâu dài và có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống sinh hoạt của Nhân dân Ban Long xưa (nay là xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành), vì vậy người dân trong vùng thường gọi là đền Giếng Đá.

Cư dân của vùng đất này xưa kia sinh sống giữa vùng đồi, cuộc sống của họ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, vào mẹ rừng, mẹ nước. Đó là những nhân tố quan trọng hàng đầu để nuôi sống con người. Vì vậy, người dân coi rừng, coi nước và các yếu tố khác như những vị thần linh. Các yếu tố tự nhiên đó được nhân hóa, tôn thờ thành những vị thần linh. Trong tâm thức của các tộc người sống trên vùng đất Ban Long xưa và Thành Tâm ngày nay, các vị thần có công hộ mệnh của cả làng. Thần có công giúp nước, cứu dân, ngầm hiển hiện sự linh ứng, luôn giúp cho Nhân dân tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt... Các vị thần này còn là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng khát vọng của cả làng.

Theo các cụ cao niên và Nhân dân trong vùng, đền Giếng Đá là ngôi đền rất thiêng, là nơi thờ Mẫu. Đó là Thượng Ngàn Sơn Tinh công chúa, mà dân gian vẫn thường gọi là Chúa Thượng Ngàn hay Mẫu Thượng Ngàn (mẹ rừng); Động Đình Thủy Tinh công chúa, còn được gọi là Mẫu Thoải (mẹ nước); rồi Mai Hoa công chúa. Về sau, Nhân dân trong vùng đã tôn tạo thêm gian thờ Đức Ông ở nhà bên hữu của khu đền.

Về hành trạng của các vị nữ thần được thờ tại đền Giếng Đá, theo các sắc phong và tài liệu lịch sử cho thấy, Thượng Ngàn Sơn Tinh công chúa là bà chúa của rừng xanh, bày vẽ cho các loài muông thú, chim chóc cách sinh sống, leo trèo, ca hát; phạt những loài ác thú gây hại cho sinh vật; thưởng cho những loài vật có công. Bà đã hai lần hiển linh âm phù cho tướng sĩ nhà Lý đánh thắng giặc Tống, tướng sĩ nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Bà còn rất thương yêu dân chúng. Những người phải vượt núi, băng rừng thường được bà âm phù che chở cho được chân cứng, đá mềm. Vì vậy, bà không chỉ được dân chúng gọi là thần, là chúa mà còn tôn làm mẹ và gọi một cách cung kính là Mẫu Thượng Ngàn. Nhân dân thờ bà ở khắp hang động núi non và ở các điện thờ tại gia đình.

Về Động Đình Thủy Tinh công chúa, bà là một trong 3 Mẫu Thoải, có nhiệm vụ coi sóc sông biển, làm mưa và giúp dân chống nạn lũ lụt, đồng thời hiển linh giúp các triều đại chiến đấu chống giặc bảo vệ quê hương.

Còn truyền thuyết về Mai Hoa công chúa, tục truyền vào đời Lê Cảnh Hưng gặp năm ôn dịch hoành hành, nhiều người chết chóc. Dân lành làm lễ cầu an ở nhà quan Giám ban. Đêm đến, quan chiêm bao thấy một người phụ nữ mặc áo đỏ ngồi kiệu phán rằng: “Ta phụng mệnh thượng đế đến cai quản xứ này. Các ngươi phải dựng đền thờ, xuân thu tế tự đầy đủ thì chẳng những khỏi ôn dịch mà từ nay cả địa hạt đều được bình yên vui vẻ”. Nói xong, cả người cả kiệu bay lên trời. Sau đó, quan Giám ban lập bàn thờ ngay giữa nhà để thờ bà.

Căn cứ vào các di vật, nền móng cũ của nhà thờ Mẫu, cùng những đạo sắc phong hiện còn tại di tích, trong đó sắc phong có niên đại sớm nhất niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), thì đền Giếng Đá được xây dựng và thờ tự thần linh từ trước đó rất lâu rồi. Xưa kia đền Giếng Đá nằm xa khu dân cư, ở trên quả đồi mà Nhân dân hay gọi là đồi Hang Hổ, sau gọi là đồi Giếng Đá, tương truyền vô cùng linh thiêng và u tịch. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, di tích bị tàn phá và hầu như không được trông coi, giữ gìn. Đến khoảng những năm 1980, Nhân dân địa phương dần khôi phục lại ngôi đền trên nền móng cũ bằng tranh tre nứa lá. Khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, đền được tôn tạo lại với hạng mục nhà thờ Mẫu, nhà thờ Đức Ông. Gần đây, địa phương xây thêm nhà sắp lễ, cải tạo sân vườn. Cách đền chính khoảng 20m là giếng nước xưa kia được kè bằng đá, ngày nay thành giếng được xây bằng gạch. Trong đền hiện còn lưu giữ được một số sắc phong cùng một số đồ thờ, hiện vật quý.

Năm 2019, đền Giếng Đá được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tổng quan của di tích càng thấy giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn sâu trong mỗi tầng di tích. Các Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mai Hoa công chúa là hình tượng nhân hóa của những hiện tượng thiên nhiên có sức chi phối mạnh mẽ đối với cuộc sống của người dân. Các vị thần ấy được Nhân dân tôn thờ là Mẫu (mẹ rừng, mẹ nước...) có công bảo vệ, giúp đỡ Nhân dân và âm phù cho các vị hoàng đế đánh thắng quân giặc, mang lại bình yên cho đất nước. Vậy nên các vị thần được các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong trong mỗi dịp đại khánh, để các thần tiếp tục giúp đỡ cho Nhân dân và cho phép Nhân dân tiếp tục thờ cúng, hương khói cho các thần. Việc thờ cúng các vị thần linh không chỉ có ý nghĩa riêng đối với xã Thành Tâm, mà còn mang ý nghĩa đối với huyện Thạch Thành và những địa phương lân cận. Tại đền Giếng Đá, hàng năm vào các ngày tuần tiết, Nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, thực hiện các nghi thức quan trọng của việc thờ tự. Thông qua các hoạt động tín ngưỡng và văn hóa gắn với đền Giếng Đá đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp văn hóa của dân tộc.

Đền Giếng Đá với sự tồn tại của các di vật còn lưu giữ được, như: Hệ thống sắc phong, bát hương đá cổ trang trí đôi rồng chầu vờn vân mây và các di vật có giá trị nghệ thuật là những minh chứng cho việc bảo vệ, trân trọng gìn giữ những nét đẹp cổ truyền của người dân nơi đây. Đồng thời những giá trị đó cũng giúp cho các nhà khoa học có thêm tư liệu nghiên cứu về lối chữ viết truyền thống, kỹ thuật chế tác đồ thờ, mỹ thuật và phong tục truyền thống ở vùng đất này./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT