Hoạt động của ngành

Điện Biên: Mường Báng phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 26/12/2022 08:27:35
Số lần đọc: 405
Giáp trung tâm huyện Tủa Chùa, xã Mường Báng hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, điểm nhấn là lưu giữ bản sắc văn hóa, ẩm thực dân tộc phong phú và các nghề truyền thống. Nhạy bén, nắm bắt xu thế của du khách thích trải nghiệm, khám phá văn hóa truyền thống, Mường Báng đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng với hi vọng nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.  


Ông Lò Văn Quyến, chủ homestay Quyến Choi chỉnh trang nhà cửa để chuẩn bị đón khách.

Để phát triển du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền xã Mường Báng đã lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động tham quan, trải nghiệm phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Ông Lò Văn Phanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Báng cho biết: Xác định phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi bền vững, cấp ủy, chính quyền xã luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới đến nhân dân; tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu. Đồng thời, vận động người dân tích cực học hỏi kinh nghiệm về ẩm thực Tây Bắc, các món ăn dân tộc cũng như chỉnh trang môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp để đón du khách đến tham quan du lịch.

Từ định hướng trên, xã Mường Báng đã lựa chọn một số thôn vùng thấp trong đó có thôn Tiên Phong và thôn Phai Tung để xây dựng mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Đến nay, tại 2 thôn đã có nhiều hộ dân triển khai mô hình kinh doanh homestay phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó, nhiều cơ sở đã nâng cấp, cải tạo nhà sàn của gia đình làm dịch vụ homestay, vừa đáp ứng nhu cầu du khách, vừa giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của người Thái. Đến với các điểm du lịch cộng đồng tại thôn Tiên Phong và thôn Phai Tung, du khách sẽ được khám phá trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn, giao lưu văn hóa văn nghệ, thưởng thức ẩm thực địa phương, nghỉ ngơi tại các gia đình trong thôn.

Đi qua con đường hoa dài hơn 500m đang lung linh khoe sắc, chúng tôi đến thăm thôn Tiên Phong với vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của những nếp nhà sàn. Khung cảnh nơi đây thật cuốn hút bởi cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, môi trường xanh, sạch, đẹp. Những con đường liên thôn được “cứng hóa” từ sự đóng góp tích cực của người dân. Những ngôi nhà sàn khang trang gắn biển homestay trang trí bắt mắt xuất hiện trên khắp các tuyến đường.

Dừng chân tại homestay Quyến Choi, chúng tôi cảm nhận không gian thơ mộng, tinh tế, đan xen với những nét mới trong cách làm du lịch cộng đồng. Căn nhà sàn được chỉnh trang khang trang, công trình vệ sinh đảm bảo, xung quanh homestay trang trí nhiều cây cảnh cùng các đồ vật gắn với đời sống của đồng bào Thái. Ông Lò Văn Quyến, chủ homestay Quyến Choi chia sẻ: Thông qua tuyên truyền vận động của chính quyền xã, gia đình tôi đã cải tạo, nâng cấp nhà cửa, chỉnh trang đường ngõ, khôi phục nghề sản xuất thủ công truyền thống và chuẩn bị thực phẩm để cung ứng tại chỗ. Qua đó, bước đầu thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Sau 3 tháng đi vào hoạt động, homestay của gia đình tôi đã đón nhiều đoàn du khách đến và trải nghiệm dịch vụ, trong đó chủ yếu là thưởng thức ẩm thực dân tộc.

Chia sẻ về hành trình phát triển du lịch cộng đồng tại địa bàn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Báng cho biết: Trước đây, bà con nghe nói đến làm homestay là lắc đầu, với lối tư duy cũ, bản thân họ không muốn thay đổi. Hiểu rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung các buổi họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con rồi từng bước tháo gỡ các “nút thắt”. Trong thời gian tới, việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của xã Mường Báng có thêm nhiều khởi sắc.

Việc phát triển du lịch cộng đồng được đánh giá là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Từ đó, mang lại hiệu quả thiết thực, vừa phát huy được thế mạnh văn hóa của các dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Mường Báng phát triển bền vững thì người dân cần phải giữ được nguyên gốc văn hóa bản địa; đó là giá trị cốt lõi của du lịch cộng đồng.

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ - baodienbienphu.info.vn - Đăng ngày 25/12/2022

Cùng chuyên mục