Non nước Việt Nam

Độc đáo Lễ hội đền Phù Ủng (Hưng Yên)

Cập nhật: 20/02/2019 07:53:30
Số lần đọc: 1152
Lễ hội đền Phù Ủng ở xã Phù Ủng, huyện Ân Thi là một trong những lễ hội lớn nhất ở tỉnh Hưng Yên vào dịp đầu xuân. Đây đồng thời cũng là lễ hội có sức hút đối với du khách thập phương bởi những nét văn hóa truyền thống độc đáo…


Đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia trong Lễ hội đền Phù Ủng (Ảnh: LP)

Cứ mỗi dịp xuân về, dòng người lại nô nức về đền Phù Ủng tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi để tưởng nhớ tới tướng quân Phạm Ngũ Lão, một vị tướng tài của nhà Trần đã có công đánh tan giặc Nguyên - Mông bảo vệ nền độc lập của đất nước. Đã thành truyền thống, Lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 15 tháng giêng hàng năm. Lễ hội đã thu hút hàng vạn lượt khách thập phương tới dâng hương, trẩy hội, là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho các hoạt động văn hóa, lễ hội mùa xuân của tỉnh Hưng Yên.

Tướng quân Phạm Ngũ Lão sinh ra và lớn lên tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Phủ Thượng Hồng (nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi). Sớm mồ côi cha, và phải làm nghề đan sọt nuôi mẹ già. Tương truyền, Phạm Ngũ Lão có chí khí phi thường từ thuở nhỏ, tính tình cương trực, khẳng khái. Tuy không xuất thân từ khoa bảng, song ông là một vị tướng văn võ song toàn, được Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn hết sức tin cậy, là người làm tướng qua 3 đời Vua nhà Trần, có công lớn trong các cuộc chống ngoại xâm của dân tộc ta và bảo vệ biên giới phía Tây, phía Nam của Tổ quốc.

Sau khi mất, tướng quân Phạm Ngũ Lão được nhà vua phong là “Thượng đẳng phúc thần” và được dân làng Phù Ủng lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông. Năm 1948, ngôi đền bị thực dân Pháp phá hoại chỉ còn lại dấu vết nền móng xưa và hai cột đồng trụ ở hai bên. Sau ngày đất nước thống nhất, người dân địa phương đã phục hồi lại ngôi đền, kiến trúc gồm năm gian tiền bái, ba gian hậu cung. Trong quần thể di tích có lăng Phạm Tiên Công (thân sinh Phạm Ngũ Lão), đền Nhũ Mẫu (mẹ nuôi Phạm Ngũ Lão), đền Tĩnh Huệ công chúa (con gái Phạm Ngũ Lão)… Năm 1988, đền Phù Ủng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Hàng năm, lễ hội truyền thống đền Phù Ủng được chính quyền và người dân địa phương tổ chức trang trọng mang đậm giá trị văn hóa sâu sắc, không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của tướng quân Phạm Ngũ Lão mà còn giáo dục cho thế hệ trẻ ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp…

Nét độc đáo của Lễ hội đền Phù Ủng được thể hiện ngay trong phần Lễ mở đầu với nghi thức rước công chúa Tĩnh Huệ từ phủ chúa về lăng Phạm Tiên Công để trình ông và rước về đền Phạm Ngũ Lão để trình cha. Tham gia đoàn rước có các đội cờ lễ, múa lân, rồng, bài vị, đội khiêng kiệu hoa, khiêng kiệu công chúa. Sau nghi lễ rước truyền thống từ phủ chúa về đền, dân làng và du khách tổ chức lễ dâng hương, ôn lại thân thế, sự nghiệp và công lao của Tướng quân Phạm Ngũ Lão với đất nước. Điểm đặc biệt tại Lễ hội đền Phù Ủng là trong lễ rước, hàng nghìn người dân và khách thập phương đã chen nhau chui qua gầm kiệu với tâm niệm những ước muốn của mình trong năm mới sẽ trở thành hiện thực. Phần Lễ còn được tổ chức trang trọng với các nghi thức cổ truyền như đại lễ, tế nội tán, ngoại tán…

Sau phần Lễ là phần Hội với các trò chơi dân gian, những môn thể thao, vui chơi tương truyền là do tướng quân Phạm Ngũ Lão nghĩ ra để rèn luyện sức khỏe, ý chí cho binh sĩ như: Thi vật cù, cờ tướng… và các hoạt động khác như múa rối, hát trống quân, hát chèo, hát quan họ… Thu hút du khách thập phương nhất có lẽ là phần hội thi vật cù. Cù hình tròn, làm bằng gỗ sơn đỏ. Sân chơi là một bãi rộng chia làm 2 bên đông và tây, giữa sân kẻ một vạch ngang, chính giữa vạch đào một lỗ đặt quả dầu, hai đầu sân mỗi bên đào một lỗ. Mỗi đội có 8 quân và 1 tổng, đầu chít khăn, đóng khố. Mỗi đội đóng khố một màu khác nhau. Trước khi chơi, hai đội xếp thành hai hàng làm lễ trước cửa đền. Trọng tài cầm cù đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào lỗ của đối phương, bên nào cho vào lỗ của bên kia là thắng cuộc.

Những năm gần đây, Lễ hội đền Phù Ủng còn có các trò chơi dân gian như: Chọi gà, múa rối, kéo co, xin chữ đầu xuân, nhảy mô đống… thu hút đông đảo du khách đến xem và tham gia. Bên cạnh các trò chơi dân gian, một số hoạt động thể thao như bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng… diễn ra sôi nổi giúp người dân được hòa mình vào lễ hội cũng như có dịp vui chơi, nghỉ ngơi, cầu mong một năm may mắn an lành. Theo đồng chí Trần Công Tráng, Bí thư Đảng ủy xã Phù Ủng, từ dịp Tết Kỷ Hợi 2019 đến nay, đền Phù Ủng đã mở cửa để phục vụ du khách thập phương đến lễ để tưởng nhớ tướng quân Phạm Ngũ Lão và cầu mong một năm thật nhiều sức khỏe, thịnh vượng, mưa thuận, gió hoà. Trung bình mỗi ngày đền đón từ 5 - 7 nghìn lượt khách đến tham quan, dâng hương. Trong dịp chính hội, lượng du khách về còn đông hơn nữa. Năm nay, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không xảy ra tình trạng cờ bạc, nâng giá vé gửi xe...

Có thể thấy, quần thể di tích lịch sử đền Phù Ủng đã dần trở thành một điểm du lịch thăm quan thu hút đông đảo du khách thập phương vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Với những hoạt động phong phú cả trong phần Lễ và phần Hội, Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng tại huyện Ân Thi (Hưng Yên) thực sự chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Lễ hội đền Phù Ủng không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của danh tướng Phạm Ngũ Lão mà còn có ý nghĩa to lớn trong giáo dục cho những thế hệ sau về ý chí vươn lên, về tinh thần yêu nước và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT