Hoạt động của ngành

Du lịch đường sắt qua Lào Cai - cơ hội và thách thức

Cập nhật: 02/07/2024 11:41:41
Số lần đọc: 225
Di chuyển bằng đường sắt tới Lào Cai để đến các điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà hay sang Trung Quốc là một lựa chọn đối với nhiều du khách. Trước xu thế phát triển, việc thúc đẩy du lịch bằng tàu hỏa lại đang là bài toán cần tìm lời giải xác đáng.

 

Đường xe lửa qua Lào Cai là mắt xích quan trọng trên tuyến đường sắt Điền - Việt, khánh thành năm 1910 nối từ Côn Minh (Trung Quốc) tới cảng Hải Phòng. Công trình được đánh giá là đặc biệt của lịch sử thế giới cận đại này đã góp phần đưa Lào Cai trở thành cửa ngõ quốc tế như ngày hôm nay.

Song, theo ông Dương Tuấn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, kể từ năm 2014 đến nay, sau khi cao tốc Nội Bài thông tuyến, tàu hỏa mất hẳn vai trò là phương tiện chính đưa du khách đến với Lào Cai, nhất là khó cạnh tranh với xe ô tô về tốc độ, sự cơ động và tiện lợi. "Ngành đường sắt là một ngành dịch vụ, nếu như chúng ta phục vụ không tốt, không đặt quyền lợi của du khách lên hàng đầu thì sẽ rất khó khăn để tiếp tục thu hút khách du lịch".

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tuổi đời hơn 100 năm

Thống kê cho thấy, lượng khách đi tàu những năm gần đây duy trì ở mức rất khiêm tốn, cả năm 2023 chỉ đạt hơn 200.000 lượt. Hiện, trên tuyến Lào Cai - Hà Nội cắt giảm chỉ còn duy nhất một đôi tàu chạy chiều đi - chiều về, với những toa xe chủ yếu được thuê bởi các công ty lữ hành.

Theo ông Lê Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, tàu hỏa vẫn giữ được những lợi thế như độ an toàn cao; du khách có cơ hội ngắm cảnh dọc hành trình; các nhà ga đều nằm ở vị trí trung tâm; lịch chạy tàu ổn định, tỷ lệ đi và đến đúng giờ cao; khả năng vận chuyển hành khách lớn, có không gian giao lưu, sinh hoạt rộng rãi… Trong khi việc cải thiện tốc độ tàu hỏa khó có thể giải quyết trong ngắn hạn, nhiệm vụ nâng cấp toa xe, nhà ga, chất lượng dịch vụ cần được ưu tiên để giữ chân và thu hút khách đi tàu.

Sân ga Lào Cai

Ông Hoàng Đình Tứ - Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty đường sắt Việt Nam - đơn vị khai thác đường sắt Lào Cai cho rằng, dư địa phát triển của ngành đường sắt còn nhiều, nguồn lực về tài chính có thể hữu hạn nhưng nguồn lực về cơ chế chính sách thì không hạn chế. Thời gian qua, các đơn vị của ngành đã có rất nhiều đổi mới cho phù hợp xu thế, ngoài nâng cấp dịch vụ còn tăng cường liên kết, xúc tiến hợp tác với các ngành liên quan để xây dựng thành các tour hoàn chỉnh, chuyên nghiệp. "Vấn đề quảng bá, truyền thông cần đặt lên hàng đầu. Bởi vì chúng ta làm tốt nhưng truyền thông chưa tốt thì hình ảnh cũng chưa đến được với khách du lịch".

Các toa xe chủ yếu được công ty lữ hành thuê trọn gói, bài trí theo phong cách riêng

Theo ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, trước mắt, ngành du lịch đang tìm cách đưa thêm nhiều sản phẩm đặc hữu của Lào Cai như thổ cẩm, sản phẩm OCOP, văn hóa - văn nghệ… vào hệ sinh thái đường sắt để tăng trải nghiệm cho du khách.

Còn về yếu tố tốc độ, từ nay đến năm 2030, Trung ương đã có chủ trương ưu tiên đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, sau khi hoàn thành hứa hẹn sẽ tạo ra sự đột phá.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, không chỉ có ý nghĩa trong vận tải đơn thuần, tuyến đường sắt tuổi đời hơn 100 năm qua Lào Cai còn "chuyên chở" cả những câu chuyện lịch sử, văn hóa. Năm 1958, từ ga Gia Lâm, Bác Hồ cũng từng đáp tàu hỏa trên tuyến này để lên thăm đồng bào các dân tộc Lào Cai. Chính vì thế, quá trình đầu tư, nâng cấp đường sắt có thể xem xét gắn với bảo tồn cũng sẽ tạo ra giá trị lớn trong phát triển du lịch.

Nhân viên đường sắt chụp ảnh giúp du khách

"Có thể chúng ta giữ lại những cung đường, nhà ga còn nguyên giá trị lịch sử từ lâu đời, như vậy cũng sẽ trở thành các sản phẩm rất hấp dẫn. Đây là vấn đề phải nghiên cứu sao cho hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và sự phát triển mang tính hiện đại", ông Hà Văn Thắng cho biết.

Được biết, thời gian qua, Lào Cai đã có ý tưởng xây dựng hồ sơ để công nhận tuyến đường sắt Điền - Việt nối Vân Nam - Việt Nam trở thành di sản thế giới. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn về kinh phí cũng như phải có sự phối hợp chặt chẽ của cả 3 quốc gia gồm Việt Nam, Trung Quốc và Pháp.

An Kiên

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 30/06/2024

Cùng chuyên mục