Hoạt động của ngành

Du lịch Kiên Giang khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 04/07/2019 10:41:52
Số lần đọc: 1054
Ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đang ngày càng phát triển, khẳng định là lĩnh vực quan trọng, đóng góp cao nhất trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.


Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Giai đoạn 2016-2018, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút hơn 19 triệu lượt khách trong nước và hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 21,8%/năm, doanh thu đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng bình quân 23,9%/năm…

Tăng trưởng ấn tượng

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đón hơn 4,2 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018), tổng doanh thu từ du lịch hơn 4.268 tỷ đồng (tăng 42,6%).

Có được kết quả trên là trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch cũng như đa đạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Tỉnh tổ chức thành công các sự kiện, tạo nhiều cơ hội quảng bá, xúc tiến ngành du lịch như Quảng bá du lịch nhân sự kiện tiệc cưới của gia đình tỷ phú ở Ấn Độ tại Phú Quốc; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM tại Hà Nội, Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội bánh dân gian Nam bộ tại Cần Thơ…

Các địa phương thu hút nhiều du khách đến tham quan, du lịch là thành phố Hà Tiên và hai huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải.

Trong đó, Phú Quốc là điểm du lịch hấp dẫn nhất, với hơn 2,2 triệu lượt du khách đến (tăng 36% so với cùng kỳ), khách quốc tế đạt hơn 392.000 lượt người (tăng 35,5%).

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng cho biết tỉnh khai thác hiệu quả loại hình du lịch sinh thái biển, đảo thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm câu cá, lặn ngắm san hô, khám phá di tích lịch sử, văn hóa… tại các khu, điểm du lịch.

Các khu vui chơi giải trí Vinpearlland, Vườn Bách thú Safari (Phú Quốc), Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu du lịch Mũi Nai và các khu, điểm du lịch ở các xã đảo, quần đảo Hải Tặc, Nam Du, Lại Sơn… thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, tuyến cáp treo An Thới - Hòn Thơm được đưa vào khai thác cùng với loại hình dịch vụ casino trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc trở thành điểm nhấn mới, góp phần thu hút khách du lịch đến Phú Quốc.

Bên cạnh đó, cơ sở lưu trú du lịch phát triển khá nhanh, với nhiều nhà hàng, khách sạn chất lượng cao được đầu tư đưa vào hoạt động phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, giải trí, nghỉ ngơi, ăn uống của khách du lịch.

Tiềm năng du lịch vượt trội

Thật có lý khi nói Kiên Giang là phiên bản của tuyệt tác thiên nhiên sơn hà gấm vóc hình chữ S. Từ đồng bằng, núi đồi, rừng các loại, sông ngòi đến biên giới, biển đảo… tất cả đều hội tụ nơi này, tạo nên một Kiên Giang có lợi thế vượt trội về tiềm năng và thế mạnh du lịch so với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là cơ sở vững chắc, điều kiện thuận lợi để tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh ngành “công nghiệp không khói”.

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, dựa vào điều kiện tự nhiên, tỉnh quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm riêng biệt trên địa bàn thích hợp với từng sở thích khám phá, nghỉ dưỡng, tham quan của du khách, gồm Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận, Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận, U Minh Thượng và phụ cận.

Phú Quốc đang được quy hoạch đầu tư phát triển thành khu du lịch cao cấp của cả nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Hòn đảo Ngọc này có địa hình độc đáo, với dải núi trùng điệp một màu xanh cây rừng ngút mắt chạy dài từ Bắc xuống Nam đảo, mang trên mình rừng nguyên sinh phong phú các loài động vật, thực vật.

Những bãi tắm đẹp, cát trắng, cát vàng, làn nước biển trong xanh hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế như: Bãi Trường, Bãi Sao, Bãi Khem, Bãi Dài… và hệ thống 26 đảo lớn, nhỏ khác nhau xung quanh, tạo thêm sự sống động cho bức tranh Phú Quốc “sơn thủy hữu tình.”

Những món ẩm thực đặc trưng, đặc thù của núi rừng, biển đảo độc đáo, hấp dẫn du khách thưởng thức khi đặt chân đến đảo như rượu sim, gỏi cá trích, nấm tràm và đặc biệt là hồ tiêu, nước mắm, gà rẫy Phú Quốc…

Về vùng Hà Tiên-Kiên Lương đầy ắp tình đất-tình người, “đẹp như xứ thơ” với Tao đàn Chiêu Anh Các mở hội vào Rằm tháng Giêng hằng năm. Cảnh đẹp thiên nhiên nơi vùng biên ải này, với danh thắng Mũi Nai, Hòn Trẹm, chùa Hang, núi Bình San, đầm Đông Hồ, núi Tô Châu, Đá Dựng, Thạch Động… tạo ấn tượng trong lòng người khi tận mắt nhìn.

Cùng với đó, những hang động trên núi đá vôi, hệ thống các quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa… gắn với nhiều chuyện kể, tích xưa tạo nên những giá trị nhân văn cho Hà Tiên-Kiên Lương, lay động lòng người khi đặt chân đến.

Đến với Rạch Giá-Kiên Hải, mọi người không khỏi ngạc nhiên trước công trình lấn biển đã hoàn thành, đang xây dựng khu đô thị ven biển hiện đại đầu tiên vùng Tây Nam bộ. Và, càng ngạc nhiên hơn khi một số công trình lấn biển tiếp tục thi công để mở rộng thành phố Rạch Giá.

Nơi thành phố biển này, rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị, những công trình kiến trúc độc đáo kết hợp hài hòa giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, thông qua các lễ hội dân gian thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm như Đình thần Nguyễn Trung Trực, chùa Tam Bảo, chùa Phật Quang, chùa Quan Đế, chùa Khmer…

Tiếp đến, quần đảo Nam Du, đảo Hòn Tre, huyện đảo Kiên Hải với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, môi trường trong lành đang được nhiều du khách tìm đến khám phá, thưởng ngoạn.

Về Vườn Quốc gia U Minh Thượng nằm trong hệ thống Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, mọi người có dịp khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước, đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam thuộc loại hiếm trên thế giới.

Nơi đây phát triển nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng, phong phú với sự hiện diện của 254 loài thực vật bậc cao, 32 loài thú, 188 loài chim, 64 loài cá… Nhiều loài động vật được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: rái cá lông mũi, mèo cá, bồ nông chân xám, già đãy Java, tê tê…

Xây dựng du lịch Phú Quốc thành điểm đến thương hiệu

Để du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu, là trung tâm du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cả nước, khu vực và thế giới, tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm; phát triển song song du lịch nội địa và du lịch quốc tế, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng nhấn mạnh tỉnh tiếp tục xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Kiên Giang trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh của khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là vùng du lịch Phú Quốc.

Tỉnh rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch, nhất là quy hoạch chi tiết các khu, điểm, tuyến du lịch ở các vùng du lịch trọng điểm, triển khai nhanh các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, kêu gọi các dự án đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch.

Ngoài ra, tỉnh tập trung huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, từng bước hiện đại cho 4 vùng du lịch trọng điểm; chú trọng đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng và xây dựng công trình văn hóa, thể thao tạo điểm nhấn, ấn tượng phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, vui chơi…

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục nghiên cứu thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng.

Kiên Giang chủ động kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình đầu tư, nâng cấp các cơ sở kinh doanh du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, các cơ sở làng nghề, thủ công mỹ nghệ truyền thống, các dịch vụ bổ trợ… để nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Cùng với đó, tỉnh triển khai có hiệu quả việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động của các cơ sở kinh doanh du lịch.

Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng các trường, cơ sở đào tạo về du lịch của tỉnh; liên kết chặt chẽ chương trình đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động, chú trọng nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, kỹ năng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Tỉnh Kiên Giang tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, xử lý tốt ô nhiễm từ rác thải và nước thải, xây dựng điểm đến du lịch văn minh, sạch đẹp, an toàn, thân thiện, nhất là quản lý giá cả, phương tiện vận chuyển, an toàn thực phẩm, tệ nạn ăn xin, chèo kéo du khách, môi giới, cạnh tranh không lành mạnh….

Kiên Giang đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước trong việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với hội nhập quốc tế trong lĩnh vực du lịch./.

Cùng chuyên mục