Hành trang lữ khách

Du lịch miền Tây vào mùa nước nổi với nhiều món ngon đặc sản

Cập nhật: 18/10/2022 10:00:46
Số lần đọc: 961
Những món ăn dân dã nhưng lưu lại hương vị khó quên khi ghé thăm miền Tây mùa nước nổi.


Ngoài những cảnh đẹp sông nước hữu tình thì ở miền Tây còn nổi tiếng với những món ăn dân dã nhưng mang hương vị khó quên. Vào mùa nước nổi tháng 8 đến tháng 11, ẩm thực vùng sông nước lại càng thêm phong phú khi nhiều "nguyên liệu" đặc sản đổ về. Những nguyên liệu gắn liền với đời sống của người dân miền Tây được chế biến bằng công thức kết hợp mới lạ trở thành những món ăn đậm đà và hay ho hệt như tính cách của họ.

Cá linh nấu lẩu

Mùa sinh sản của cá linh vào khoảng tháng 9 Âm lịch, còn được người dân miền Tây nói là mùa nước nổi. Loài cá này theo dòng phù sa, từ thượng nguồn sông Mekong đến với miền Tây. Cá linh nhỏ bằng một ngón tay út, con trưởng thành có thể to hơn hai ngón tay. Vào đầu mùa nước, cá linh có kích thước bé, hay còn được gọi là cá linh non. Vì cá chưa lớn nên có xương mềm, thêm vị béo bùi của bụng mỡ. “Mùa cá linh” chung với thời điểm bông điên điển trổ, nên người miền Tây thường nấu lẩu món cá cùng loại bông vàng rực này.

Nguồn: Hân Ngọc, Kim Nhan, Trương Trần My

Món ăn này được chế biến khá đơn giản nhưng lại mang hương vị lưu luyến, khó phai. Đầu tiên phải chọn cá linh tươi, sơ chế qua và ướp với gia vị tầm 10 phút. Nước dùng lẩu gồm dừa tươi, nước mắm, đường, me dầm và được nêm nếm vừa ăn. Bạn có thể thêm ít tóp mỡ, rau ngò gai để tăng thêm hương vị, cuối cùng mới cho cá linh vào. Thịt và xương cá linh mềm nên rất nhanh chín. Lẩu cá linh phù hợp thưởng thức cùng gia đình hoặc hội bạn vào những ngày mưa.

Ếch đồng xào lăn

Mùa nước nổi là thời điểm thích hợp để bắt ếch đồng và chế biến ếch xào lăn. Món ăn này vừa có vị béo đậm đà của nước cốt dừa, vừa có mùi thơm mùi sả. Yếu tố quan trọng nhất của món ăn chính là thịt ếch vừa ngọt vừa chắc. Ếch còn được gọi với cái tên “gà đồng” vì nhiều người cho rằng thịt ếch là một trong những loại thịt ngon nhất, vị ngọt và có tác dụng bồi bổ cơ thể cho người ốm vì tính giải hàn tốt.

Ếch đồng xào lăn là một món ăn khá đơn giản, nhưng lại khó nhất ở khâu sơ chế ếch. Để thịt ếch không bị tanh có thể hãy rửa bằng rượu gừng hoặc dùng giấm, muối hột. Nên chần sơ thịt ếch trước khi nấu để thịt dễ thấm vị và hạn chế sán. Ướp thịt ếch với các nguyên liệu như hạt nêm, muối, đường, hành tím băm tiêu trong khoảng 30 – 45 phút. Khi nấu nêm thêm với nửa chén nước dừa tươi và nên cho nước dừa vào sau cùng để món ăn có vị thanh ngọt vừa phải.

Nguồn: ngonaz, yeutre

Bông điên điển xào tép

Hàng năm vào tháng 7, tháng 8 Âm lịch, chính là mùa bông điên điển nở vàng rực. Cây điên điển mọc ở các đầm ao, đọc theo các bờ ranh hoặc đất trống. Cây phát triển rất nhanh, không cần chăm sóc mà vẫn cho bông rất sai. Hương vị thơm ngon đặc trưng bông điên điển là tuổi thơ của những ai từng sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước miền Tây.

Nguồn: Đồng Tháp 24h, Đất Việt Tour

Bông điên điển xào tép món ăn dân dã với nguyên liệu đơn giản, thời gian chế biến nhanh. Vị ngọt của tép, vị chát nhẹ, giòn, ngọt của bông điên điển hòa vào nhau tạo nên hương vị khó quên. Tép đồng rửa sạch ướp cùng nước mắm, hạt nêm và rửa sạch bông điên điển, tước bỏ cọng cứng, rửa sạch để ráo nước. Phi thơm hành tím và tỏi băm nhuyễn, sau đó cho tép vào xào trước. Để lửa lớn và cho bông điên điển vào sau, xào nhanh tay đến khi chín tới và nhắc xuống bếp. Không nên để điên điển chín quá lâu sẽ mất độ giòn tươi. Món ăn này kèm cơm trắng và chấm thêm nước mắm dầm ớt là "đúng bài".

Chuột đồng nướng chao

Chuột đồng là món ăn dân dã và đặc trưng của người dân miền Tây. Chuột đồng thường sống nhiều trên những cánh đồng lúa và có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi. Thời điểm này chuột to, lông bóng mượt, thịt đặc biệt thơm ngon. Món chuột đồng nướng chao có cách làm khá đơn giản: ướp thịt chuột với chao trước, sau đó cho lên vỉ nướng và có thể nướng kèm với đậu bắp. Nên chọn chao cũ, đã sản xuất trên 6 tháng vì có hương vị ngon. Nên sơ chế thịt chuột kĩ, chặt ra cỡ hai, ba ngón tay tùy theo chuột lớn, nhỏ. Sau đó, nhúng thịt vào tô chao có ướp sẵn tiêu, tỏi, bột ngọt, ít muối ăn, tí nước mắm ngon cho thơm.

Ảnh: Đỗ Suốt Anh, Thu Hương Pham

Nướng thịt chuột cùng bếp than sẽ khiến món ăn thêm phần đặc biệt hơn. Bếp than được đốt cháy lên đỏ hồng, gắp thịt chuột sắp lên vỉ nướng và trở đều. Khi thấy thịt chuột hơi tái màu, có thể phết thêm chao cho thấm và nướng tiếp. Chuột đồng nướng chao thường chấm với nước tương dầm ớt hiểm xanh hoặc nước mắm chao mới đúng điệu. Có thể ăn kèm món này với rau thơm, đậu bắp nướng.

Cá lóc nướng trui

Đặc sản miền Tây không thể bỏ qua món cá lóc nướng trui, với cách chế biến không cầu kì hệt như tính tình dân dã của người dân nơi đây. Cá lóc hay còn được gọi là cá quả là loại cá ít xương cùng với thịt thơm ngon, săn chắc có. Khi chế biến món ăn này không cần sơ chế cá quá nhiều. Bạn chỉ cần rửa sạch, xiên một que dài từ miệng đến đuôi cá. Không cần tẩm ướp gia vị hay đánh vảy mà vùi thẳng vào đống rơm và châm lửa đốt. Nướng đến khi hết phần tro tàn, sau đó cạo phần cháy đen và thưởng thức.

Nguồn: Văn Minh, Võ Thị Phấn

Sau khi nướng, thịt cá vẫn giữ được vị ngọt kèm theo vị cháy khá vui miệng. Khi ăn món này người dân hay chấm cùng muối hột trộn ớt hoặc mắm me thì mới đúng vị. Ngoài ra, cá lóc có thể ăn kèm với rau sống hoặc bánh tráng. Ở những mâm cơm thường ngày hoặc tiệc vui tụ họp gia đình, không thể thiếu món cá lóc nướng trui. Món ăn này như một đặc trưng của người dân nơi đây, thấm đượm sự thân thương và nét mộc mạc.

Bông súng mắm kho

Bông súng từ ngày xưa đã là món ăn quen thuộc của những người dân miền Tây mỗi mùa nước lên. Bông súng giòn xốp và có vị thanh, nếu ăn trực tiếp sẽ cảm nhận được một chút ngọt cùng bùi bùi nơi đầu lưỡi. Vào tháng 5 và tháng 6 âm lịch ngay mùa nước lớn, cũng là lúc bông súng trồi lên theo làn nước. Người dân miền Tây thường chèo ghe nhổ bông súng sau đó cuộn tròn thành khoanh đem ra chợ bán. Bông súng có thể chế biến thành nhiều món ăn như lẩu, gỏi, xào,...nhưng bông súng mắm kho được xem là món ngon nhất.

Bông súng nhổ về để nguyên cọng, sau đó rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt thành chừng hai gang tay để ráo nước. Còn mắm kho phải là mắm kho cá sặc đồng, có màu đỏ thẫm mới chuẩn vị. Bông súng chấm mắm kho là ăn đặc sản ở Nam Bộ nói chung. Mắm lấy ra để trong nồi cho nước vào xâm xấp, nấu cho vừa sôi rồi lược lấy nước bỏ xương. Quan trọng là nước đầu để riêng, đến nước thứ hai, nước thứ ba mới bắc nồi nấu lại, thêm muối, bột ngọt, ớt, sả và nêm nếm vừa vị. Nồi mắm kho thơm ngon và đậm đà hương vị là khi nấu chung với thịt ba rọi và ăn vào lúc còn nóng, chấm thêm tí bông súng là chuẩn vị.

Thực hiện: Hạ Trân

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 05/10/2022

Cùng chuyên mục