Hành trang lữ khách

Gia Lai: Phát hiện thêm một quần thể đá cổ

Cập nhật: 25/06/2021 13:50:23
Số lần đọc: 1200
Cách TP. Pleiku khoảng 45 km về phía Đông, quần thể đá cổ độc đáo này nằm ngay trong khu vực hạ lưu của Nhà máy Thủy điện H’Chan, thuộc làng Đôn Hyang, xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.


Là người từng đến suối đá cổ ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) nhiều lần để chụp ảnh nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng kỳ vĩ của quần thể đá cổ mới được phát hiện ở huyện Mang Yang.

Trong nắng sớm, theo chân các anh Diệu Minh Thành và Vũ Văn Thiệp-công nhân Nhà máy Thủy điện H’Chan, chúng tôi tiếp cận một vùng đá màu xám đen xếp lớp cạnh nhau, trải dài hàng trăm mét, tạo nên một cảnh tượng đẹp đến nao lòng.


Quần thể đá cổ ở làng Đôn Hyang (xã Đê Ar, huyện Mang Yang). Ảnh: N.Q.T

Chưa thể biết bên trong đập nước hoặc dưới lòng đất khu vực này còn có bao nhiêu đá cổ, nhưng theo logic thông thường, các mạch đá không chỉ có phần lộ thiên như hiện tại. Từng khối các thanh đá lục lăng tương đối đều đặn và khá giống nhau về hình dáng đứng ken theo phương vuông góc, xiên nghiêng hoặc nằm song song so với mặt đất như được sắp đặt. Các khối đá xuất lộ cách xa dòng chảy vẫn giữ được vẻ đẹp “cổ điển” của kiểu dáng “đá đĩa” ở tỉnh Phú Yên hoặc làng Vân như đã biết.

Tuy nhiên, nếu đoạn suối đá qua làng Vân từng có thời gian dài ẩn mình dưới tán lá cổ thụ thì điểm đặc biệt của phần lớn quần thể đá cổ nơi hạ lưu Thủy điện H’Chan là từ lâu đã chịu tác động mạnh của dòng chảy sông Ayun vốn không mấy hiền hòa, nhất là vào mùa mưa. Hàng trăm thanh đá bazan có tuổi đời triệu năm bị bào mòn đáng kể. Các biến động địa chất trước đó và chính sức mạnh của dòng nước sau này đã tạo thêm những vẻ đẹp khác lạ cho quần thể đá cổ ở nơi này. Những thanh đá vốn là mắc ma phun trào từ núi lửa có độ cứng khủng khiếp đã bị các dòng chảy bền bỉ mài láng cả ở phần trên lẫn bề ngang, thoáng trông như liền đặc từng mảng lớn. Nhiều chỗ, các khối đá cổ còn bị nước tạo thành vùng lõm hoặc xuyên thủng những lỗ hổng có đường kính rộng cả mét. Rất nhiều hốc đá, hang đá đủ loại hình dáng, kích thước xuất hiện la liệt khắp cả một vùng hạ lưu thủy điện rộng lớn.


Từng khối các thanh đá lục lăng tương đối đều đặn và khá giống nhau đứng ken theo phương vuông góc như được sắp đặt. Ảnh: N.Q.T

Theo các công nhân mà chúng tôi đã gặp, gần chục năm nay, vào cuối tuần, thỉnh thoảng đã có những đoàn khách ghé thăm nơi này. Họ đa phần là học sinh, giáo viên và thanh niên ở các xã thuộc 2 huyện Chư Sê và Mang Yang. Quan sát vùng hạ lưu và nhất là dưới chân 1 thác nước nhỏ nhưng khá đẹp cách đó không xa, người viết dễ dàng nhận ra các loại bao bì, vỏ chai của du khách để lại sau những lần thăm thú.

Cùng với suối đá triệu năm tuổi ở làng Vân vừa được phát hiện, quần thể đá cổ trong khu vực hạ lưu của Nhà máy Thủy điện H’Chan là một di sản độc đáo mà thiên nhiên ban tặng. Quan sát thực tế, đối chiếu với các tài liệu chuyên môn liên quan, chúng tôi nhận thấy, các giá trị địa chất của quần thể đá cổ nơi đây tương ứng với Gành Đá Đĩa (tỉnh Phú Yên), suối đá cổ làng Vân cả về hình thức cấu tạo lẫn niên đại. Hy vọng trong thời gian tới, Gia Lai sẽ sớm có các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thiên nhiên này.

Nguyễn Quang Tuệ

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục