Non nước Việt Nam

Gia Lai: Tơ Tung bảo tồn nghề đan lát

Cập nhật: 07/01/2022 04:48:34
Số lần đọc: 1248
Nghề đan lát không chỉ giúp nhiều gia đình ở xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) có thêm nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần bảo tồn nghề thủ công truyền thống của đồng bào Bahnar.  


Gắn bó với nghề

Ở làng Kuk-Tung, nghệ nhân Đinh Ngơn nổi tiếng với nghề đan lát thủ công. Các sản phẩm do đôi bàn tay khéo léo của ông Ngơn làm ra đã có mặt ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Trong ngôi nhà nhỏ của ông lúc nào cũng có hàng chục sản phẩm thủ công được xếp gọn gàng. Nhiều sản phẩm được treo trên giàn bếp, ánh lên màu vàng cánh gián bắt mắt.

Vừa thoăn thoắt quấn nốt mấy vòng mây cho chiếc gùi có nhiều hoa văn truyền thống độc đáo của người Bahnar, ông Ngơn nói: “Lát nữa khách sẽ đến lấy hàng nên mình phải làm cho kịp. Mấy chục năm làm nghề, quen tay, làm chút là xong thôi mà. Anh em mình được bố dạy cho nghề này từ trước năm 1975. Khi ấy chỉ làm đồ dùng phục vụ cuộc sống gia đình thôi. Trước đây, hầu hết đàn ông trong làng đều biết làm nhưng nay thì hiếm. Do đó, mình duy trì làm nghề để bảo tồn cho thế hệ sau và có thêm thu nhập. Các sản phẩm do mình làm ra được nhiều khách đặt mua vì chắc chắn lại có nhiều hoa văn độc đáo, đẹp mắt”.

Nghệ nhân Đinh Ngơn đan gùi để bán. Ảnh: Nguyễn Hiền

Theo ông Ngơn, để có một sản phẩm thủ công đẹp mắt, bền thì cần chú ý đến khâu xử lý nguyên liệu. Những cây giang, tre, mây phải đủ độ già nếu không sản phẩm sẽ nhanh hỏng. Sản phẩm sau khi hoàn thành cần xông khói bếp để tránh mối mọt, cong vênh và bền hơn lúc sử dụng.

Nói về kỹ năng đan lát, ông Đinh Ơng (làng Đê Bar) cũng không kém cạnh. Đôi bàn tay khéo léo của ông đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm. Từng chiếc gùi, mẹt do ông làm ra không chỉ bền chắc mà còn có hoa văn rất đẹp với các mảng màu khác nhau bằng cách kết hợp nhiều nguyên liệu như: lồ ô, giang, nứa… “Làm nghề này đòi hỏi tính kiên trì và sự khéo léo của đôi tay. Cứ nghĩ là nhàn chứ cái nghề đan lát cũng khá vất vả đấy. Ví như khi vào rừng lấy mây, chặt tre, giang dễ bị trầy xước da thịt, rắn cắn. Chưa kể đứt tay chân trong quá trình dùng dao để xử lý nguyên liệu. Vì thế nên dần dần người ta không muốn làm nghề này nữa mà ra mua đồ công nghiệp về sử dụng cho tiện. Mình học nghề từ lúc 9 tuổi nên gắng duy trì”-ông Ơng bộc bạch.

Thêm thu nhập từ nghề truyền thống

Xã Tơ Tung có 30 người thông thạo đan lát, trong đó 10 người được công nhận là nghệ nhân. Đây là tín hiệu vui trong việc duy trì, phát huy nghề đan lát thủ công truyền thống của xã. Nguyên nhân chính để nghề đan lát ở xã Tơ Tung được duy trì là nhờ hoạt động du lịch. Khách thập phương đến tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa Làng kháng chiến Stơr hay các địa điểm khác tại Tơ Tung được tận thấy nghệ nhân tự tay đan các sản phẩm thủ công đã mua về làm quà lưu niệm. Anh Đinh Mỡi-cán bộ quản lý Nhà lưu niệm Anh hùng Núp-thông tin: Hầu như tại các làng đều có đội ngũ giữ nghề đan lát. Từ năm 2019 đến nay, các sản phẩm do nghệ nhân làm ra được trưng bày tại khu phục dựng Làng kháng chiến Stơr để phục vụ du khách tham quan. Điều này đã góp phần tạo động lực để người Bahnar ở Tơ Tung duy trì, bảo tồn nghề đan lát truyền thống.

Những chiếc gùi được hong trên bếp để tăng thêm độ bền, đẹp. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ông Đinh Ngơn cho biết: Mỗi tháng, ông thu nhập chừng 2 triệu đồng từ đan lát thủ công. “Bình quân 2 ngày, tôi đan xong một chiếc gùi cỡ trung hoặc một chiếc mẹt lớn. Giá bán dao động trong khoảng 200-500 ngàn đồng/chiếc. Mỗi tháng, tôi làm được khoảng 10 sản phẩm. Làm xong cứ treo lên bếp, ai mua thì bán. Các mặt hàng thân thiện với môi trường, tiện dụng nên mọi người ưa thích. Khách du lịch mua về lưu niệm cũng nhiều lắm. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì thu nhập hàng tháng của tôi cao hơn bây giờ nhiều”-ông Ngơn nói.

Ông Ơng chia sẻ thêm: “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khách du lịch đến đông lắm, nhất là khách nước ngoài. Họ rất yêu thích các sản phẩm thủ công nên thường mua về. Vì vậy mà mấy năm trước, nhà tôi có thêm một khoản thu ổn định”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Luân-Phó Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-cho biết: Đan lát là nghề có từ lâu đời của người Bahnar. Có giai đoạn, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định từ bán sản phẩm đan lát cho khách du lịch. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, thu nhập của bà con có giảm do dịch bệnh. Chúng tôi đang tích cực quảng bá nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm đan lát. Mặt khác, địa phương cũng tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ học nghề đan lát thủ công truyền thống để bảo tồn bản sắc của dân tộc, có thêm nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống gia đình.

Thiên Di - Nguyễn Hiền

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT