Non nước Việt Nam

Gìn giữ điệu hát Ví, Rang tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ)

Cập nhật: 17/11/2020 08:51:14
Số lần đọc: 1176
Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Mường, điệu hát Ví, hát Rang luôn được đồng bào trân trọng gìn giữ. Hát Ví, hát Rang xuất phát từ bộ sử thi “ Đẻ đất, đẻ nước”- câu chuyện từ thuở sơ khai đến khi bản Mường được ấm no được kể lại bằng những câu từ dễ nhớ, dễ thuộc. Chính câu từ, nhịp điệu đó đã được truyền miệng để rồi cất lên thành tiếng hát câu ca vang vọng đến ngày nay...

Người dân xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn thường xuyên luyện tập, biểu diễn điệu hát Ví, hát Rang nhằm gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.

Trong cái nắng nhạt đầu đông, giọng hát của những chàng trai, cô gái Mường vút cao trên nương chè xanh ngút ngát, ven bờ suối kẽo kẹt vòng quay con nước trầm bổng lan tỏa qua câu hát Ví da diết, trong vắt như tiếng chim hót, suối reo: “Anh như bông gạo trên cây, còn em như bãi cỏ may lan đường. Mong sao mưa gió tứ phương, bông gạo rụng xuống cùng đường cỏ may”. Câu hát thể hiện sự chân chất mà ý nhị của chàng trai khi lần đầu nói chuyện với cô gái. Tiếng hát Ví mộc mạc chân thành như lời ăn tiếng nói hàng ngày của đồng bào. Đã từ lâu, điệu hát Ví, hát Rang đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Mường ở huyện Tân Sơn. 

Hát Ví thường diễn ra vào các dịp Tết, hội làng, lễ cưới, lễ mừng cơm mới, lễ hỏi mang đậm chất trữ tình, lãng mạn, lời lẽ mộc mạc dân dã rất gần gũi với đời sống thường nhật.

Là người thuộc nhiều câu hát Ví, hát Rang, nghệ nhân Hà Thị Sóng, xã Lai Đồng chia sẻ:  “Hát Ví bắt nguồn từ chính nhu cầu cuộc sống của đồng bào người Mường. Tiếng hát theo chân đồng bào lên nương rẫy, ra bờ suối, lên rừng. Người ở đồi bên này dùng tiếng hát để gọi người bên kia đồi. Không những vậy, điệu hát Ví, hát Rang còn trở thành lời tâm tình hò hẹn để trai gái đối đáp giao duyên. Hát Ví bao giờ cũng có đôi, có cặp, có nam, có nữ. Trai gái bản Mường quê tôi hát Ví đối đáp giao duyên khi lên nương, lúc đi chơi, khi giao lưu kết bạn… Lời ca cất lên như lời tâm sự, tỏ tình yêu thương. Bao đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng từ làn điệu này “mai mối”.

Hát Ví được chia làm ba thể loại: Ví cổ, Ví kim và Ví cải biên. Ví cổ hát bằng tiếng Mường cổ. Ví kim và Ví cải biên bằng tiếng Việt. Có thể nói Ví cải biên là sự giao thoa văn hóa để phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện đại.  Được sáng tác ứng đối trong quá trình sinh hoạt, biểu diễn do vậy câu Ví mang đậm hơi thở của cuộc sống. Chẳng hạn khi người con trai hát: “Ta về hỏi mẹ cùng cha/ Sẽ cho ta được làm con một nhà ới…a…ơi”. Người con gái đáp lại: “Khi đi em hỏi mẹ cha/Chồng xa cũng lấy, chồng gần cũng ưng ới…a…ơi”.

Theo lời bà Sóng: “Hát Rang cũng được ra đời từ cuộc sống lao động hàng ngày. Hát Rang có 2 loại đó là Rang “thường” và Rang “than”. Rang “thường” là lối hát giao duyên trữ tình, tiếng hát mộc mạc đằm thắm, mang tính chất vui tươi, chúc tụng ngợi ca, mời chào như mời trầu, mời uống rượu, mời nước. Rang “than” là câu hát có tính tự sự, sâu lắng đậm chút than vãn, mượt mà sâu sắc: Như hát dặn con gái trước khi về nhà chồng”.

Hát Rang đòi hỏi yêu cầu cao hơn hát Ví. Ca từ của hát Rang phải thành bài, có nội dung phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh của người đang hát. Điệu Ví dễ hát hơn với đặc điểm là hát có đôi, có cặp. Trai gái dùng câu Ví để tâm tình, trò chuyện tìm hiểu nhau. Người hát Ví không chỉ có giọng hay mà còn phải thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, am hiểu văn hóa đời sống thì mới có thể ứng đối nhanh nhạy bằng những câu hát ngọt ngào ẩn chứa nhiều ý tứ sâu xa. Ngoài những làn điệu cơ bản, khi đôi trai gái hát đối với nhau, tùy theo tâm tư tình cảm mà có thể sáng tạo ra nội dung theo tiếng lòng của mình. Chính vì vậy, điệu hát Ví, hát Rang có sự phong phú, đa dạng về ca từ hấp dẫn người nghe.

Qua biến cố thăng trầm của lịch sử, câu hát Ví, Rang vẫn trường tồn và trở thành tài sản vô giá của người Mường Tân Sơn. Để giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo này, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào dân tộc Mường trong huyện đã chủ động thực hiện nhiều hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với việc sưu tầm các làn điệu hát Ví, hát Rang cổ, ngành văn hóa huyện đã tích cực phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc truyền dạy hát Ví, hát Rang.  

Ông Trần Văn Giang- Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Sơn cho biết: “Quyết tâm bảo tồn điệu hát Ví, hát Rang, huyện Tân Sơn đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó có điệu Ví, hát Rang. UBND huyện phối hợp với Bảo tàng Hùng Vương tổ chức sưu tầm các làn điệu hát Ví, hát Rang, phục dựng lại các nghi thức phong tục gắn với hát Ví, hát Rang như rước vía lúa, hát mừng nhà mới, đi hỏi vợ… để làm phim tư liệu. Huyện tổ chức những lớp học do các nghệ nhân truyền dạy cho hạt nhân văn nghệ các xã làm nòng cốt để nhân rộng trong khu, xóm. Ngoài ra, nội dung hát Ví, hát Rang được đưa vào trường học trong địa bàn huyện, giáo viên thanh nhạc được tập huấn các làn điệu sau đó truyền dạy cho học sinh”.

Ninh Giang

 

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT