Non nước Việt Nam

Hà Nội: Đặc sắc hội làng Xuân Đỗ Hạ

Cập nhật: 04/03/2022 11:08:20
Số lần đọc: 805
Xuân Đỗ là một làng cổ nằm bên bờ Bắc sông Hồng, thuộc phường Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội). Làng có tên nôm là Đậu Hạ, xưa kia là đất bãi sông Hồng. Trải qua thời gian, sau những lần đắp đê chống lụt, Xuân Đỗ trở thành làng trong đê. Gờ sót của con đê tàn đoạn đường gom cầu Thanh Trì ngày nay là chứng tích của thời gian...


Lễ hội làng Xuân Đỗ Hạ.

Ngôi đình đặc biệt

Trong quá trình phát triển làng xã, Xuân Đỗ được chia tách thành Xuân Đỗ Thượng, Xuân Đỗ Hạ. Làng Xuân Đỗ Hạ là làng gốc, hiện còn đình, chùa cổ kính. Tấm bia mang niên đại Vĩnh Tộ (triều vua Lê Thần Tông 1619 - 1628) hiện đặt cạnh giếng đình, như lời khẳng định đình đã được xây dựng ở đây ít nhất 400 năm.

Đình Xuân Đỗ Hạ nằm ở vị trí đầu làng, trên một khuôn viên thoáng rộng với giếng, nghi môn, kiến trúc chính theo kiểu “Tiền khẩu hậu đinh”. Hai bên của tòa chữ khẩu có tả - hữu hành lang nằm liền kề tạo thành một thể không gian thống nhất. Đây là lối kiến trúc riêng, không theo bố cục của các ngôi đình thông thường mà mang dáng dấp của một ngôi đền; trong đó có nhiều giá trị, biểu tượng được hội vào cả kiến trúc, đồ thờ và nhất là các mảng chạm khắc liên quan.

Tại đình vẫn còn nhiều đồ thờ gồm bàn thờ, cây đèn bát hương, đỉnh, trầm, long đình, kiệu võng... nhưng đáng chú ý hơn cả về mặt niên đại và nghệ thuật là các cỗ ngai ở trong hậu cung. Giá trị nghệ thuật và giá trị biểu tượng đạt trình độ cao, mang niên đại đầu thế kỷ XVIII. Một thế kỷ sau, người dân nơi đây đã làm một bộ ngai mới để thờ hai vị thành hoàng làng, một bài vị có ghi: “Khỏa Ba Sơn linh ứng phù vận quảng trạch long ân hiển khánh huệ cảm nghĩa đoán đại vương” và “Lâu Ly vua tiên hoa dung trang thục công chúa”.

Đặc sắc hội làng

Hội làng Xuân Đỗ Hạ diễn ra từ ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng Hai lịch trăng. Từ Tết Nguyên đán đến trước ngày mồng 6 tháng Giêng, khi các phe giáp chưa họp bàn vào đám thì dân làng không được “động”, tức là không gây tiếng động lớn, không động thổ, không được xuống đồng cày cấy. Dân làng cho rằng, nếu gây động thì sẽ kinh động đến quỷ thần và làm mất mùa, gây bệnh dịch.

Sáng mồng 8 tháng Hai, các phe giáp tổ chức bàn giao đồ thờ tự. Sau mỗi mùa lễ hội, vào ngày 12 tháng Hai, phe giáp nào được đăng cai có trách nhiệm bảo quản, trông coi đồ thờ trong một năm, đến năm sau bàn giao lại cho phe giáp tân đăng cai. Chiều ngày mồng 8 tháng Hai, dân làng tổ chức bao sái đồ thờ tự, làm lễ phong y, lễ vật có xôi thủ lợn. Theo các già làng, xưa kia ngày mồng 10 tháng Hai là Đản sinh Đức thánh Ông (Khỏa Ba Sơn) thì ngày mồng 8 tháng Hai vào đám chỉ có cúng xôi thủ lợn và ngày 15 tháng Tám giỗ Đức thánh Bà (Lâu Ly) thì cúng xôi gà. Nghi thức này xuất phát trong tâm thức của người dân Việt trồng lúa nước, là biểu trưng cầu sự sinh sôi phát triển.

Sáng sớm ngày mồng 9 tháng Hai, dân làng tổ chức lễ “nghênh thủy”, tức là rước nước cầu mùa. Trước khi rước nước, đoàn rước lễ thánh, sau đó tiến hành rước lên bến Bồ Đề (trước cửa đền Ghềnh). Đến bến Bồ Đề có thuyền chờ sẵn đưa ra giữa sông Hồng lấy nước. Trưởng đoàn lấy nước trịnh trọng thả vòng ngũ sắc xuống dòng sông, múc 3 gáo đầu làm phép, sau đó lần lượt đại diện phe giáp lấy đầy nước vào chóe. Vòng ngũ sắc không chỉ để ngăn rác bẩn vào nước mà còn là biểu trưng mong cầu sinh khí đem lại hạnh phúc cho dân làng.

Áng chừng đoàn rước nước lên đến bến Bồ Đề, dân làng làm lễ thánh và tổ chức rước kiệu để nghênh thủy. Đoàn rước có đầy đủ cờ, biển, chấp kích, bát bửu, tàn, tán lọng, đoàn nghi lễ và dân làng để nghênh kiệu Ông, kiệu Bà. Vui nhất trong lễ rước là kiệu quay. Khởi xuất từ đình, trên đường rước, các kiệu cứ quay tròn rồi tiến, lùi, như thể các đức thành hoàng ngự giá vui cùng dân làng trong không khí khai xuân. Đoạn đường rước kiệu để nghênh thủy chính là con đường mang đại phúc cho dân làng, cho mùa màng bội thu. Đến giờ Ngọ, đoàn rước về đình. Tiếp đó, đại diện các phe giáp tổ chức lễ rước văn từ nhà ông soạn văn về đình, sau đó sẽ tiến hành tế thánh rồi dân làng thụ lộc tại đình.

Trong hội làng Xuân Đỗ Hạ, đáng quan tâm có lễ rã đám vào ngày 12 tháng Hai để ngày hôm sau 13 tháng Hai làm lễ yên vị đóng cửa đình. Trong ngày rã đám, mỗi giáp cúng lễ một con lợn sống, để nguyên con, không cạo lông, lấy một ít tiết và một ít lông gáy bỏ vào bát để làm lễ tế mao huyết. Lợn được đặt trước ban thờ, bát mao huyết đặt trên ban thờ thánh và làm lễ tế. Tế xong, bát mao huyết được đem chôn ở miếu thổ thần gần đó. Đây là một tục hèm của cư dân nông nghiệp cổ.

Trong điều kiện hiện nay, nhiều nghi thức đã được đơn giản hóa. Thời gian tổ chức hội làng Xuân Đỗ Hạ chỉ diễn ra trong 3 ngày (từ mồng 9 đến 11 tháng Hai lịch trăng) nhưng những nghi thức nông nghiệp vẫn còn trong ký ức. Thấp thoáng đâu đó là tiếng trống sấm gọi mưa, gọi mùa...

Bùi Thế Quân

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT