Non nước Việt Nam

Hòa Bình: Sức hút vùng hồ

Cập nhật: 05/04/2021 10:24:15
Số lần đọc: 1509
Hồ Hòa Bình là sự kết hợp khá hoàn mỹ của thiên nhiên mây nước, có phong cảnh nên thơ, hữu tình, nước hồ trong xanh, núi tiếp núi, bóng ngả rừng già, bản sắc văn hóa được dân cư địa phương lưu giữ, tạo sức hút lớn đối với du khách và các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư.

Đền chúa Thác Bờ, hồ Hòa Bình là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách.
 
Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc 5 huyện, thành phố, tổng diện tích 2.249 km2. Lòng hồ có nhiều đảo nhỏ kỳ vĩ và cũng rất đỗi thơ mộng. Hồ Hoa, động Hoa Tiên, xã Suối Hoa (Tân Lạc) rộng cả nghìn ha, bốn mùa nước trong xanh, hai bên là những đồi núi trùng điệp, xanh thẳm, trong hồ có    nhiều đảo đá, đất xen lẫn rừng cây. Thung Nai (Cao Phong), đảo ngọc hoang sơ,   thuần khiết, đẹp mơ màng trong sương sớm, khi chiều buông. Đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) nằm trong vùng lõi, một trong những đảo đẹp nhất của hồ với lớp lớp khối đá vôi chỗ trắng, chỗ xanh, những cây cổ thụ mọc thẳng trên đá giữa trời xanh, mây trắng. Vượt qua dãy núi đá vôi, tiến vào bên trong là một vùng thung lũng rộng lớn, gần như bằng phẳng, những trảng hoa dại tím biếc tạo thành thảm hoa kéo dài ngút mắt. Bên cạnh sức hấp dẫn tuyệt vời của thiên nhiên mây nước, trên khu vực hồ là cả một không gian văn hóa rộng lớn, đặc sắc của đồng bào các dân tộc: Mường, Tày, Dao, Thái, là những khu vực có hàm lượng văn hóa cao, còn tồn tại trong sản xuất, sinh hoạt của người dân. 
 
Những giá trị văn hóa này đang là không gian rộng lớn cho sự trải nghiệm, khám phá của bạn bè và du khách. Với tiềm năng riêng có, hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển KDL hồ Hòa Bình trở thành KDL quốc gia. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy, triển khai các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch theo quy hoạch phát triển du lịch hồ Hòa Bình.
 
Tuyến đường 435 đã cơ bản hoàn thành, từ trung tâm TP Hòa Bình đi các vùng lõi của hồ Hòa Bình là: Bình Thanh, Thung Nai (Cao Phong), Suối Hoa (Tân Lạc) tạo nên sức hút đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với lòng hồ. Thời gian gần đây ghi nhận những doanh nghiệp lớn đến khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư vào khu vực hồ Hòa Bình. Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các ngành khẩn trương hoàn thiện đồ án quy hoạch chung KDL quốc gia hồ Hòa Bình. Đến nay, quy hoạch đã được Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch có phạm vi nghiên cứu 52.200 ha, dự báo quy mô khách du lịch đến năm 2030 đón khoảng 1,6 - 2 triệu lượt khách; năm 2035 đón từ 2,5 - 3 triệu lượt khách. Đồ án quy hoạch 6 phân khu, gồm: Phân khu phát triển du lịch mang tính chất động gắn với đô thị, gắn kết với hệ thống cảng Ba cấp, Bích Hạ và một phần xã Hòa Bình, phường Thái Bình. Khu phát triển du lịch tập trung tại các xã: Hiền Lương, Bình Thanh, Vầy Nưa là khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí. Khu phát triển du lịch sinh thái tự nhiên, hoang dã phía Bắc hệ sinh thái hồ Hòa Bình, được bảo tồn hệ sinh thái, phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học. Khu du lịch vịnh     Ngòi Hoa - Thung Nai - Suối Hoa là khu trung tâm dịch vụ du lịch hồ Hòa Bình. Khu dịch vụ du lịch tại xã Phúc Sạn là trung tâm dịch vụ hậu cần Bãi Sang gắn với khu du lịch Mai Châu. Khu du lịch thiên nhiên hoang dã sinh thái tự nhiên gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh (Đà Bắc). Tỉnh đang khởi động một số tuyến giao thông quan trọng để mở cánh cửa thu hút đầu tư vào địa bàn, đối với khu vực hồ Hòa Bình tiếp tục huy động, tìm kiếm nguồn lực đầu tư tuyến đường kết nối các xã ven hồ Hòa Bình. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch trên khu vực hồ. Đồng thời, chỉ đạo rà soát dự án không bảo đảm tiến độ cam kết, để thu hút doanh nghiệp có thực lực đầu tư phát triển du lịch. 
 
Hồ Hòa Bình được xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình, tập trung phát triển du lịch chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện, tỉnh chú trọng thu hút doanh nghiệp có tiềm lực tham gia xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững. Chỉ đạo các ngành, địa phương ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Chú trọng công tác quảng bá hình ảnh hồ Hòa Bình; đào tạo, tập huấn, triển khai chương trình liên kết tuyến du lịch, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng tốt, thân thiện môi trường, mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình, tạo sức hút mới cho vùng hồ Hòa Bình.
 
 Lê Chung
 
Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT