Hoạt động của ngành

Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái

Cập nhật: 05/11/2020 08:36:47
Số lần đọc: 978
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của khu vực hồ thủy điện Sêrêpốk 3 (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn), Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông - Buôn Đôn (gọi tắt là HTX Phú Nông) đã định hướng xã viên sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Trước đây, trên địa bàn xã Ea Nuôl có hơn 20 hộ dân tự thành lập nhóm liên kết sản xuất với tên gọi: Tổ hợp tác thủy sản (nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3) và tổ hợp tác trồng tiêu - cà phê ở khu vực gần hồ thủy điện Sêrêpốk 3. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thì các tổ liên kết khá lúng túng, sản phẩm nông nghiệp làm ra bị tư thương ép giá. Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như với mong muốn phát triển quy mô sản xuất nông nghiệp tập trung, đầu năm 2019, ông Trần Văn Toàn (thành viên tổ trồng tiêu - cà phê) đã kêu gọi một số nhà đầu tư, tập hợp các hộ dân của hai tổ liên kết nói trên để thành lập HTX Phú Nông.

Tư thương đến mua cá tại HTX Phú Nông. Ảnh: L.Thành

Đây là mô hình HTX kiểu mới hoạt động như công ty cổ phần, có chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc và các hộ xã viên cũng chính là thành viên góp vốn, công sức đầu tư. Trên tổng diện tích đất canh tác hơn 200 ha của các hộ thành viên và một số hộ dân liên kết sản xuất, HTX đã quy hoạch vùng trồng khá khoa học, vừa đảm bảo nguồn nước tưới tiêu hiệu quả, hạn chế mầm sâu bệnh… Nhiều rẫy cà phê già cỗi được chuyển đổi sang trồng cam, quýt, bưởi, bòn bon… theo hướng VietGAP nhằm hình thành các vườn sinh thái phục vụ khách du lịch. Tổ thủy sản trước đây chỉ có 20 lồng bè nuôi cá diêu hồng thì nay phát triển lên 60 lồng với nhiều loại cá như chép, diêu hồng, rô đầu vuông, cá lóc…, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 64 tấn cá thịt các loại. Ngoài ra, HTX cũng đang tiếp tục đầu tư hệ thống lò sấy, máy móc chế biến sâu, bảo quản nông - thủy sản vừa phục vụ bán cho khách du lịch lại tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Anh Trần Đức Thắng, xã viên ở tổ thủy sản cho biết, khi chưa thành lập HTX, anh và các hộ dân trong tổ chỉ nuôi cá lồng bè theo hình thức kinh nghiệm truyền thống, mạnh ai nấy làm, ít có sự liên kết với các hộ khác nên sản phẩm đầu ra có chất lượng không đồng đều, bị thương lái ép giá. Từ khi tham gia HTX, anh được tập huấn nuôi trồng thủy sản theo hướng sạch, an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các hộ nuôi cá lồng bè còn được Chi cục Thủy sản và Liên minh HTX tỉnh triển khai các mô hình điểm, hỗ trợ giống, cám nuôi cá... Việc nuôi cá cũng được thực hiện theo hình thức kế vụ, kế lứa nên sản phẩm đầu ra không bị dồn ứ vào một thời điểm

Khách tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn cam tiêu chuẩn VietGAP của HTX Phú Nông (huyện Buôn Đôn). Ảnh: L.Thành

Bên cạnh việc duy trì hai tổ sản xuất, HTX Phú Nông còn triển khai mô hình nuôi hơn 200 con thỏ bố mẹ giống New Zealand trong khu chuồng trại rộng gần 1.000 m2. Mô hình này vừa giúp tăng thêm thu nhập cho HTX lại tạo thêm việc làm cho một số hộ xã viên lúc nông nhàn. Vừa qua, UBND huyện Buôn Đôn đã thống nhất giao cho HTX Phú Nông chủ trì dự án liên kết triển khai nuôi thỏ và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên địa bàn huyện. HTX đã cung ứng hơn 1.200 con thỏ giống và hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho nông dân các xã trên địa bàn huyện.

"Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng HTX đã có những thành công nhất định, kêu gọi được các hộ dân sản xuất theo hướng tập trung, có quy hoạch, tổ chức, đồng bộ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị nông sản hướng đến phát triển du lịch sinh thái"

 Ông Trần Văn Toàn - Giám đốc HTX Phú Nông.

Theo ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Phú Nông, với lợi thế diện tích mặt nước hồ thủy điện Sêrêpốk 3 rộng hơn 3.700 ha, quanh hồ là những vườn cây trái xanh mát, HTX Phú Nông đã đầu tư nhiều hạng mục như nông trại Lâu Đài Yến, thuyền máy đưa khách đi thuyền trên hồ, hệ thống lồng bè, nhà nổi, nhà chòi, nhà sàn, nhà gác kiên cố... để làm chỗ nghỉ ngơi, vui chơi cho du khách. Hiện HTX cũng đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục khác như nhà điều hành, hồ cá sấu, đảo Thiên Quy, hệ thống homestay … để hình thành chuỗi du lịch, trải nghiệm sinh thái.

Dự kiến đến khoảng giữa năm 2021, HTX sẽ chính thức mở cửa các dịch vụ đón khách. Đến đây, khách du lịch có thể trải nghiệm đi thuyền trên hồ, các dịch vụ vui chơi, ăn uống đa dạng, cùng làm vườn với nông dân và trực tiếp mua những nông sản sạch tại chỗ…

Lê Thành

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục