Non nước Việt Nam

Khai thác di tích để phát triển Tây Nguyên

Cập nhật: 23/11/2022 09:29:01
Số lần đọc: 822
Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) vừa tổ chức hội thảo quốc gia: “Khai thác giá trị các di tích lịch sử-văn hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên”. Các chuyên gia đã cung cấp nguồn tư liệu thực tiễn sống động, tham vấn nhằm khai thác các di tích phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên theo Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Du khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt nhà đày Buôn Ma Thuột.

Phát huy còn hạn chế

Tây Nguyên có nhiều di tích lịch sử, lịch sử-văn hóa, văn hóa kiến trúc, di chỉ khảo cổ có ý nghĩa lịch sử, có giá trị khai thác, phát huy phục vụ phát triển bền vững. Nổi bật như: Ngục Kon Tum, địa điểm Đắk Tô-Tân Cảnh; ngục Đắk Glei; di tích Tây Sơn thượng đạo, làng kháng chiến Stơr; khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975); ngục Đắk Mil; các di tích lịch sử-văn hóa, văn hóa kiến trúc như chùa Bắc Ái, biệt điện Bảo Đại, đình Lạc Giao, nhà đày Buôn Ma Thuột, thánh địa Cát Tiên… Toàn vùng hiện có 59 hạng mục di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 14 di tích lịch sử, hai di tích lịch sử đặc biệt, tám di tích lịch sử văn hóa, hai di tích văn hóa đặc biệt, bảy di tích lịch sử cách mạng, 21 di tích danh thắng, một danh thắng đặc biệt, một di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, hai di tích văn hóa kiến trúc, một di tích khảo cổ được Nhà nước xếp hạng từ năm 1980 cho đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra còn có hàng trăm di tích cấp tỉnh được các tỉnh vùng Tây Nguyên xếp hạng…

Theo TS Nguyễn Duy Thụy, Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, ở một số nơi có tình trạng di tích xuống cấp, hư hại, một số di tích được đưa vào khai thác nhưng chưa thật sự phát huy hiệu quả… Còn PGS, TS Bùi Trung Hưng, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai chỉ ra rằng: Sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của các di tích chưa thật rộng rãi. Đặc biệt hiện còn lại ít các di tích lịch sử-văn hóa gắn với các dân tộc bản địa. Mặc dù đã có sự phân loại, xếp hạng ở từng địa phương nhưng chưa có sự kết nối thành hệ thống, theo cấp hạng và chưa số hóa được toàn bộ mạng lưới các di tích lịch sử-văn hóa trên toàn vùng. Ở từng tỉnh còn nặng về bảo tồn, tôn tạo là chính; chưa có chiến lược và kế hoạch khai thác tốt giá trị các di tích. Nhiều địa phương còn lúng túng trong giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển trong khai thác các di tích. PGS, TS Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực III nhận xét: Nguồn lực đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn nhiều hạn chế. Nhiều di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số di tích bị lấn chiếm đất nhưng chính quyền và các ngành chức năng vẫn chưa xử lý rốt ráo.

Cần quy hoạch và tính liên kết

Để khai thác phát huy giá trị các di tích, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, PGS, TS Bùi Trung Hưng đề xuất: Cần nắm chắc thực trạng các di tích trên toàn vùng và từng tỉnh, từ đó xây dựng quy hoạch tổng thể, lập các dự án bảo tồn, tôn tạo và hình thành chương trình khai thác, phát huy những mặt tích cực vào đời sống. Việc này phải gắn với công tác quản lý đầu tư xây dựng, phát triển các ngành kinh tế, hạ tầng và các hoạt động kinh tế-xã hội ở địa phương. Muốn vậy, luôn cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học và người dân địa phương…

Theo TS Trần Mạnh Đương, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Đắk Nông, cần xây dựng các hệ tiêu chuẩn chuẩn mực và những nguyên tắc xử sự đối với công tác bảo tồn, tôn tạo cũng như việc khai thác, phát huy giá trị các di tích. Phải khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún từng địa phương mà có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng và xây dựng được chương trình khai thác bài bản, thống nhất để vừa đầu tư bảo tồn, tôn tạo, vừa khai thác hiệu quả. Còn Thạc sĩ Trương Trần Hoàng Phúc, Trường đại học Tôn Đức Thắng kiến nghị: Cần tập trung nhiều hơn nữa vào quá trình nghiên cứu và phác thảo quá trình lịch sử hình thành nên di tích. Từ đó, truyền tải cho khách du lịch. Bên cạnh đó, trước khi đầu tư cho một sản phẩm du lịch mới, cần có những khảo sát và nghiên cứu để xác định tiềm năng phát triển, từ đó mới phác thảo chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch, tránh tình trạng khai thác một cách cảm tính hoặc rập khuôn từ các di tích khác. Đồng thời, ứng dụng công nghệ và mạng xã hội trong quản lý và quảng bá các giá trị di tích.

Hội thảo còn có 52 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đề xuất các nhóm giải pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực. TS Nguyễn Duy Thụy đánh giá: Các quan điểm đều cho thấy vấn đề khai thác giá trị các di tích lịch sử-văn hóa đang dần trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên. Để từ tiềm năng trở thành động lực, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực và sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Lý

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 22/11/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT