Hành trang lữ khách

Khám phá Ngoạ Vân am trong mây

Cập nhật: 26/02/2020 08:30:04
Số lần đọc: 771
Gắn liền với quá trình tu hành và hoá Phật của vua Trần Nhân Tông, Ngoạ Vân giờ đây không còn là cái tên xa lạ với nhiều người dân, du khách. Muốn hành hương lên Ngoạ Vân cũng rất thuận khi tuyến đường vào chân núi đã được mở rộng, lát bê tông phẳng lì, rất đẹp…


Am Ngọa Vân chìm trong sương mờ những ngày mùa xuân.

 

Ngoạ Vân là di tích quan trọng bậc nhất nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Nói thế là bởi kết quả khảo cổ và nghiên cứu khoa học đã khẳng định rằng, vua Trần Nhân Tông chọn Ngoạ Vân là nơi kết thúc quá trình tu tập của mình. Năm 1307, Ngài từ Yên Tử về đây, để rồi ngày 1/11AL năm 1308, Ngài hoá Phật tại Ngoạ Vân. Vì vậy, Ngoạ Vân còn được xem là “thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm.

Thực tế, Ngoạ Vân là một quần thể di tích gồm hàng chục điểm di tích trải dài từ chân lên tới đỉnh Bảo Đài sơn và mở rộng ra xung quanh. Vì vậy, cách đây gần chục năm, việc hành hương tới Ngoạ Vân khá gian nan, vì con đường chính dẫn từ hồ Trại Lốc vào suối Phủ Am Trà là đường mòn, chạy qua nhiều suối khe gập ghềnh sỏi đá, đường lên núi cũng là đường đất, nhiều đoạn dốc đứng phải bám cây rừng mà leo… Hiện giờ, đường dẫn vào chân núi đã được mở rộng, bê tông hoá giúp cho việc đi lại rất thuận lợi.

Đường bộ leo núi cũng được kè lát đá tạo bậc giữa rừng trúc và cây cối xanh tươi. Du khách cũng có thêm một sự lựa chọn nữa, đó là tuyến cáp treo chỉ với khoảng chục phút vi vu trên không, bạn có thể tạm ngơi nghỉ để ngắm núi trên cao và rừng thông phía dưới là xuống ga cáp treo, rồi theo đường bộ đi khoảng 20 phút là tới chùa Ngoạ Vân.

Ngôi chùa này được trùng tu vào năm 2016 trên nền khảo cổ ngôi chùa cũ (trước đây vẫn gọi là khu chùa đổ). Chùa tựa vào núi, từ đây ngắm về phía xa thu vào tầm mắt là không gian núi non rất thoáng đãng, đẹp mắt.

Đi tiếp vào sâu trong núi là khu am – tháp Ngoạ Vân, hiện vẫn còn am nhỏ do người đời sau dựng giữa lưng núi, trong am có tượng Phật hoàng “an nhiên viên tịch theo thế sư tử” trên một phiến đá. Do ở trên cao, nhiều thời điểm mây mù bao phủ nên nơi này đã được đặt tên là Ngoạ Vân (tức nằm trên mây). Ai đã tới Ngoạ Vân nhất định không thể không tới đây để dâng hương lên đức Phật hoàng.

Các đợt khảo cổ sau này đã cho thấy rằng, trên đường lên núi còn dấu vết hàng chục kiến trúc cổ của người xưa, như tại khu Đô Kiệu, Phủ Am Trà, khu Thông đàn I, II, III vẫn còn những tháp cổ, những cây thông lớn hàng trăm năm tuổi… Hay tuyến đường từ chùa Ngoạ Vân đi xuống theo lối Bình Khê tới khu Đá Chồng là dấu vết những kiến trúc hoành tráng dưới thời Lê Trung Hưng.

Còn trên đỉnh Vân Phong, đỉnh cao nhất được nhận định là khu Tịnh thất (nơi toạ thiền của nhà sư)… Điều đó cho thấy, quần thể di tích này được xây dựng và không ngừng mở rộng trong suốt thời gian từ sau khi Phật hoàng viên tịch cho đến thời Nguyễn. Tuy nhiên, nhiều trong số này vẫn còn là phế tích, chưa đón khách tham quan.

Chặng hành hương Ngoạ Vân thực tế chỉ mất tầm nửa ngày, đủ cho bạn vừa đi vừa thong dong ngắm cảnh, hít thở không khí trong lành và có thể suy ngẫm thêm về lẽ sống của người xưa.

Xin chia sẻ thêm là con đường nối Ngoạ Vân - Yên Tử nay đã thông tuyến, giúp du khách có thể từ đây chạy thẳng sang Yên Tử - nơi gắn liền với quá trình tu hành đắc đạo, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng, trước khi Ngài về với Ngoạ Vân rồi hoá Phật tại đây./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh
Từ khóa: Ngoạ Vân, trong mây,

Cùng chuyên mục