Hoạt động của ngành

Khánh Hòa kết nối với Tây Nguyên để tạo tour du lịch mới

Cập nhật: 27/10/2022 08:41:16
Số lần đọc: 555
Mỗi tỉnh tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có nhiều thế mạnh để phát triển, tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết chưa thực sự bền vững, thiếu sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư và du khách.

Trong bối cảnh các sản phẩm du lịch biển, đảo ở tỉnh Khánh Hòa chưa đa dạng, các doanh nghiệp đang tự làm mới bằng cách đưa khách du lịch đến các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk. Từ thành phố biển Nha Trang, sau 3 - 4 giờ ngồi xe, du khách đã đến với Đà Lạt hay Buôn Ma Thuột để tham quan, nghỉ dưỡng tại vùng cao nguyên.

Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Khánh Hòa, đồng thời quản lý doanh nghiệp đang khai thác hành trình trên cho biết việc kết nối các điểm đến sẽ thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng lại cho du khách những trải nghiệm biển - hoa, biển - núi rừng khá hấp dẫn.

“Đón khách ở sân bay Cam Ranh, đưa khách đi tham quan ở Khánh Hòa, sau đó lên Đà Lạt rồi bay từ Đà Lạt về. Tuyến Nha Trang - Khánh Hòa với Buôn Ma Thuột cũng như vậy. Giảm tải việc quay đầu, cung đường thuận lợi, khám phá được nhiều điểm văn hóa giữa biển, rừng, núi. Như vậy tour sẽ đa dạng và phong phú hơn, thay vì chỉ đi du lịch biển. Đây là sản phẩm lạ, đầy đủ cho chuyến du lịch gia đình” - ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên nói.

Du khách hào hứng tham quan biển, đảo Nha Trang.

Những năm gần đây, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã có những định hướng hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Tại các hội chợ du lịch, các tỉnh Đắk Lắk cùng với Bình Định và Phú Yên tổ chức gian hàng chung của 3 tỉnh với chủ đề “Điểm đến của biển xanh và đại ngàn”. Qua đó, giới thiệu một chương trình du lịch văn hóa đặc sắc, với rất nhiều sự lựa chọn dành cho du khách.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk cho biết Đắk Lắk và Khánh Hòa là 2 tỉnh lân cận, có nhiều thuận lợi để hỗ trợ nhau phát triển du lịch: “Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch giữa 2 địa phương xây dựng những gói sản phẩm chung. Đắk Lắk và Khánh Hòa thường xuyên mời các doanh nghiệp lữ hành, các hiệp hội du lịch đến khảo sát, xây dựng sản phẩm mới, thu hút khách đến với nhau. Khách các nơi đến với Đắk Lắk cũng có thể kết nối để xuống Khánh Hòa hoặc ngược lại".

Du khách tham quan Tháp Bà Ponagar, Nha Trang

Từ đầu năm đến nay, du lịch tỉnh Khánh Hòa là "điểm sáng" trong khu vực, đã thu hút hơn 2,2 triệu lượt khách, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch của tỉnh đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu thu hút được 11 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, giải quyết việc làm cho khoảng 160.000 người lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thì bên cạnh các phân khúc đã khai thác tốt, ngành du lịch cần phát triển phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái gắn với các hoạt động thể thao. Vì thế, việc liên kết với các tỉnh Tây Nguyên sẽ giúp địa phương đa dạng loại hình, tạo sản phẩm hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.

“Bên cạnh các doanh nghiệp nỗ lực vào cuộc, làm mới các sản phẩm thì công tác xúc tiến quảng bá phải được chú trọng. Việc liên kết các hãng hàng không để phát triển đường bay, liên kết sản phẩm giữa các địa phương với nhau, để tạo khối thống nhất và đa dạng về sản phẩm” - bà Nguyễn Thị Lệ Thanh nói.

Hiện nay, liên kết du lịch vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên vẫn chưa có mô hình, cơ chế vận hành và kết quả chưa như kỳ vọng. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong việc hợp tác, xây dựng và cung cấp những chương trình, sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn vùng, miền chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, điều kiện hạ tầng giao thông giữa các địa phương còn khó khăn, bất lợi cho việc khai thác tour du lịch kết nối các địa phương.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn quy hoạch quốc gia cho rằng cần thành lập Ban điều phối Phát triển du lịch Nam Trung Bộ - Tây Nguyên do Tổng cục Du lịch làm thường trực để tạo sự thống nhất, bền vững trong liên kết.

“Phải có những chính sách và nguồn này thực sự đầu tư có liên kết, chứ không phải từng địa phương một để khuyến khích liên kết. Chúng ta chưa chú trọng xây dựng các chương trình hành động và kế hoạch liên kết cụ thể, các liên kết của chúng ta 'chết yểu' là do thiếu những chương trình hành động cụ thể, chi tiết. Trong đó, chính quyền phải tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, trong liên kết nòng cốt phải là doanh nghiệp” - PGS.TS Phạm Trung Lương nói./.

Thái Bình

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 27/10/2022

Cùng chuyên mục