Non nước Việt Nam

Kon Tum: Miệt mài giữ nhịp cồng chiêng

Cập nhật: 22/02/2023 10:27:12
Số lần đọc: 445
Không cần phải một đội cồng chiêng, những hồi chiêng ông A Hlir (làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, Kon Tum) gióng lên nghe âm vang, rộn ràng như dân làng đang vào hội. Phải là một người duyên nợ, miệt mài giữ nhịp chiêng ngân, thả hồn vào chiêng thì A Hlir mới làm được kỳ diệu đó.

Cồng chiêng là hồn cốt của dân tộc

Mặc dù chưa một lần gặp mặt, nhưng qua mấy câu trao đổi trên điện thoại, ông A Hlir (sinh 1974) – nghệ nhân làng Trấp đợi tôi trên gác hiên nhà. Con người luôn gắn bó với cồng chiêng, trăn trở để giữ nhịp chiêng ngân này, cồng chiêng với ông không bao giờ cũ và luôn có sức cuốn hút kỳ lạ.

Để ý khi bày bộ cồng chiêng ra giới thiệu, từ ánh mắt và cử chỉ, tôi thấy ông A Hlir luôn nâng niu cồng chiêng. Trong khi trao đổi, ông nhấn mạnh lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Và cồng chiêng theo ông là hồn cốt của dân tộc Gia Rai nói riêng và của nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên nói chung.

 

Ông A Hlir không chỉ truyền dạy cồng chiêng mà còn truyền dạy chỉnh chiêng. Ảnh: V.N

Có lẽ sớm ý thức về điều này và từ trong sâu thẳm, cồng chiêng luôn ngân lên trong ông. Ông bảo rằng, ngay từ nhỏ, khi còn là một cậu bé, ông đã mê cồng chiêng. Cứ mỗi lần nghe tiếng cồng chiêng cất lên ở đâu là ông rủ lũ trẻ kéo đến đó xem, kể cả ở làng khác. Say mê cồng chiêng và hạnh phúc nhất sống trong bầu không khí cồng chiêng, múa xoang của hội làng. Và không có lễ hội cồng chiêng nào là ông  vắng mặt (trừ khi ốm).

“Mê đến nỗi, khi ông bà nội đi rẫy, nhà vắng người lớn, mình thường rủ trẻ cùng trang lứa lén lấy cồng chiêng ra đánh. Mặc dù theo quan niệm của người Gia Rai, việc tự ý lấy cồng chiêng ra đánh đây là điều cấm kỵ và không ít lần bị ông nội phát hiện rầy ra, quở phạt. Tuy nhiên, ông nội là già làng, giỏi cồng chiêng và am hiểu tín ngưỡng của người Gia Rai. Việc ông nội la là theo tín ngưỡng sợ động đến Giàng, sợ dân làng trách, nhưng ông lại mừng vì thấy cháu mình mê cồng chiêng, sau này có thể kế thừa cồng chiêng, chỉnh chiêng”- A Hlir bộc bạch.

Và với con mắt tinh đời của một già làng, ông nội A Hlir đã không nhầm khi thấy cháu của mình sớm giỏi cồng chiêng. Từ việc mê cồng chiêng và được ông nội chỉ dạy thêm, năm 12 tuổi, cậu bé A Hlir đánh cồng chiêng thành thạo và gia nhập đội cồng chiêng thiếu niên của làng.

Tham gia đội cồng chiêng của làng, A Hlir từng bước thuộc hết các bài chiêng, điệu chiêng. Và đến năm 15 tuổi, A Hlir có thể dạy chúng bạn cùng trang lứa và  người lớn đánh cồng chiêng. Việc A Hlir có khả năng truyền dạy cồng chiêng khi chưa đến tuổi trưởng thành khiến chúng bạn và dân làng thán phục.

Không chỉ truyền dạy, thừa hưởng gen di truyền từ ông nội, A Hlir còn chỉnh được cồng chiêng khi ở tuổi vị thành niên. Cùng là người làng Trấp, khi trao đổi về ông A Hlir, ông A Hlip thật lòng: Không chỉ truyền dạy cồng chiêng, A Hlir còn có khả năng truyền dạy chỉnh chiêng. Việc đánh cồng chiêng, nếu đam mê, chịu khó tập luyện thì ai cũng thể  đánh được. Tuy nhiên, việc chỉnh cồng chiêng thì ngược lại rất khó và không phải ai cũng có thể làm được. Có khi hai, ba làng mới có một người biết chỉnh cồng chiêng. Việc chỉnh cồng chiêng, đòi hỏi người chỉnh phải có khả năng thẩm âm tốt, biết giũa cồng chiêng để cồng chiêng sau khi bị lạc âm khi đánh trở lại đúng độ âm vang ban đầu và không làm cồng chiêng bị hư.

“Cồng chiêng trong làng bị lạc tiếng, A Hlir chỉnh, lấy lại độ trầm, vang và chuẩn âm. Nhờ có A Hlir chỉnh cồng chiêng, tiếng cồng chiêng trong làng không bị lạc và luôn âm vang xa trong các lễ hội!”- A Hlip khẳng định.

Thực tế cũng cho thấy, trước sự biến thiên của lịch sử, ở một số làng đồng bào Gia Rai một số điệu chiêng, bài chiêng bị thất lạc, nhưng ở làng Trấp, nhiều người vẫn lưu giữ sâu đậm trong ký ức. Không giấu lòng, ông A Hlir chia sẻ: Nếu không đam mê, không ý thức lưu giữ hồn cốt dân tộc thì các điệu chiêng, bài chiêng dễ bị thất truyền, nhất là điệu chiêng, bài chiêng cổ. May mắn là các điệu chiêng, bài chiêng, mình và nhiều người dân làng Trấp vẫn còn lưu giữ.

Giữ gìn và phát huy

Ông A Hlir còn cho rằng, mỗi lễ hội có bài chiêng, nhịp chiêng khác nhau. Tùy theo từng lễ hội (đâm trâu, mừng lúa mới, bỏ mả, mừng nhà rông, giọt nước…) mà dân làng đánh các bài chiêng, điệu chiêng cho phù hợp. Trong nhiều lễ hội, dân làng còn đánh cồng chiêng theo các bài hát dân ca truyền thống như “Cùng nhau đi rẫy”, “Yêu nhau”, “Nhớ nhau” gắn với điệu xoang.

Theo tìm hiểu, hòa mình với thiên nhiên, người Gia Rai theo tín ngưỡng đa thần (Giàng). Người dân quan niệm, mỗi ngọn núi, dòng sông, làng, giọt nước, nương rẫy, nhà rông đều có sự ngự trị của Giàng. Cồng chiêng là cầu nối giữa dân làng với Giàng. Chính vì vậy, dân làng rất trân quý cồng chiêng. Nhà nào, làng nào có nhiều cồng chiêng, nhất là cồng chiêng cổ thì nhà đó, làng đó càng thể hiện sự giàu có, quyền lực.

Thành tích ông A Hlir đạt được. Ảnh: V.N

Truyền thống đó, người dân làng Trấp vẫn còn giữ gìn và phát huy. Bày bộ cồng chiêng ra giữa nhà, rồi cầm dùi gióng lên những âm thanh trầm hùng để giới thiệu cồng chiêng với khách, ông A Hlir từ tốn: Trải qua bao thăng trầm, nhưng người dân làng Trấp còn giữ được 12 bộ cồng chiêng, trong đó có 4 bộ cồng chiêng bằng đồng. Nếu không trân quý cồng chiêng, không yêu quý những giá trị văn hóa thì trong những năm kinh tế khó khăn, dân buôn đồ cổ săn lùng mua, người dân trong làng bán cồng chiêng hết rồi.

Đồng tình với A Hlir, ông A Hlip khẳng định người Gia Rai rất coi trọng cồng chiêng. “Ngay như gia đình tôi có hai bộ cồng chiêng, nhưng cách đây 5 năm, tôi vẫn mua thêm bộ cồng chiêng Lào (chiêng cổ) với giá 4 con bò và 15 triệu đồng. Người sinh ra nhưng cồng chiêng cổ không sinh, mua để giữ lại cho con cháu!”- ông A Hlip bộc bạch.

Tự hào là người dân làng Trấp, đội cồng chiêng làng Trấp, A Blo thật lòng: A Hlir giỏi cồng chiêng, dạy cồng chiêng cho đội cồng chiêng của làng. Nhờ có A Hlir tập luyện đội cồng chiêng, trong Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Sa Thầy lần thứ Nhất - năm 2022, đội cồng chiêng của xã Ya Tăng đạt giải Ba. Riêng cá nhân A Hlir đạt thành tích xuất sắc trong phần trình diễn chỉnh âm cồng chiêng tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ Nhất - năm 2022; đoạt giải A trình diễn chỉnh âm cồng chiêng tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Sa Thầy lần thứ Nhất - năm 2022.

Với những đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, từ lâu, người dân làng Trấp và chính quyền địa phương xem A Hlir là nghệ nhân truyền dạy và chỉnh cồng chiêng. Và thực tế, các giấy chứng nhận từ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền các cấp khi vinh danh A Hlir cũng đều ghi là nghệ nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, A Hlir vẫn chưa được Nhà nước  chính thức công nhận là nghệ nhân.

“Trước yêu cầu của việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, xã Ya Tăng mong muốn Nhà nước sớm công nhận A Hlir là nghệ nhân. Nếu được công nhận là nghệ nhân, đây là cơ sở để chính quyền địa phương mời A Hlir tham gia dạy cồng chiêng cho học sinh ở các trường, các làng và dạy chỉnh chiêng ở địa phương”- A Bin, cán bộ phụ trách Văn hóa – Thông tin xã Ya Tăng bày tỏ.

Nghe người có trách nhiệm ở xã tâm tình, khi chia tay tôi, ông A Hlir không nói gì, lẳng lặng cầm chiêng cười hiền, rồi gióng lên hồi chiêng dài tiễn khách. Từ trong sâu thẳm, tôi hiểu tấm lòng ông theo nhịp cồng chiêng ngân.

Văn Nhiên

 

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Ngày 20/2/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT