Non nước Việt Nam

Làm du lịch kiểu nông dân miền Tây

Cập nhật: 17/06/2024 15:26:48
Số lần đọc: 624
“Lúc mới đến khảo sát để tổ chức lại chợ nổi Tân Phong, thấy người dân bán một trái vú sữa với giá 40 nghìn đồng cho khách nước ngoài. Bây giờ xã hội thông tin, người bán lấy tiền xong, ngay lập tức bên châu Âu họ biết được kiểu bán hàng chặt chém. Nhìn cảnh này mới thầm nghĩ, làm du lịch kiểu mì ăn liền chỉ tồn tại được vài ngày, không thể nào phát triển bền vững được. Cần giúp bà con có “nghiệp vụ” làm du lịch”, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt, Thành phố Hồ Chí Minh kể câu chuyện.


Chợ nổi Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

Để có cái nhìn thật rõ du lịch vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, ông Anh thu xếp cho tôi đi thực tế bằng ca-nô của công ty chị Liêu Thị Mỹ Hạnh, xuất phát từ bến Bạch Đằng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, xuyên qua tỉnh Long An, xuống đến chợ nổi Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Khoảng 9 giờ sáng, đã có nhiều chiếc thuyền lớn chở khách nước ngoài vào chợ nổi Tân Phong, rồi chuyển sang thuyền chèo để đi vào kênh nhỏ, len lỏi qua vùng dân cư xã Tân Phong.

Ai cũng vui

“Có sao nói vậy, nhờ có chợ nổi Tân Phong mở ra, khách Tây về đây ngày càng nhiều, họ đi vòng vòng dưới sông, lên vườn trái cây của tôi xem, nghe kể chuyện vùng sông nước này. Hái trái cây xuống cho khách quất tại chỗ, cứ cầm tay bóc ăn y hệt như nông dân vậy. Chơi kiểu này họ bảo ngon nhứt hạng, trưa nay nhà tôi có 50 khách đặt ăn cơm trưa, nhà bếp đã chuẩn bị cá chiên, canh chua...”, ông Đặng Văn Ca, ấp Tân Thái, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xởi lởi.

Quan sát xem ông Ca làm dịch vụ du lịch cũng giống như hình mẫu người nông dân, tay kéo cành trái cây, miệng giải thích theo ngôn ngữ của chủ vườn, mấy bạn hướng dẫn viên quốc tế dịch lại tiếng Anh cho khách nghe. Khách cảm nhận được độ thật thà của anh nông dân qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ... “Khách Đức thích ăn mít dữ lắm, trong vườn có trái mít chín cây, dẫn họ ra tận gốc thử chín thật, thơm thật, cắt ra vàng ươm, thấy là khoái liền. Mới đầu khách họ lịch sự ăn một múi nhỏ thử mùi vị, tôi nói cứ quất xả láng đi, bên xứ mấy ông bà không có cảnh này đâu. Chẳng hiểu phiên dịch chuyển ngữ như thế nào, khách ồ lên cười, rồi bóc tay ăn tự nhiên. Ăn xong xúi bo tôi 5 đô-la Mỹ. Ai cũng vui vẻ”, ông Ca chia sẻ nghiệp vụ du lịch.

Ông Ca vừa chạy theo đoàn mới lên vườn để giới thiệu, vừa phải chuẩn bị đón 50 khách đến ăn cơm trưa, chia ra 5 bàn để ở hiên nhà và ngoài vườn. “Bếp nhà tôi vẫn sử dụng 100% củi đun nấu cơm, chiên xào, khách xuống tận bếp xem luôn, họ loay hoay chụp ảnh, quay phim bếp củi nhiều quá trời quá đất. Bà vợ tôi đứng bếp cũng thành người nổi tiếng lúc nào không hay. Mọi thứ trong bếp, bàn ăn, nhà vệ sinh... phải sạch sẽ. Hút khách là ở chỗ này”, ông Ca tiết lộ.

Chủ vườn tiếp tục dẫn đi qua hàng rầu siêng trái treo lủng lẳng từ dưới gốc lên tận trên cao, kế bên kênh chợ nổi Tân Phong, khách Tây tha hồ chụp ảnh. Bước lên chiếc thuyền lớn có bán trái cây tươi, mít sấy, bánh chuối chiên... Ông Anh kể: “Trước đây bà con bán mít sấy để vào từng túi lớn 0,5 - 1 kg, bán với giá mấy trăm nghìn đồng. Với kinh nghiệm mấy chục năm làm du lịch với khách nước ngoài, hiểu được tính cách của họ, tôi hướng dẫn bà con khách du lịch đi dạo chơi dọc theo lộ (đường), kênh không mang theo đồ nặng, cồng kềnh. Làm túi đựng mít nhỏ lại, để họ cầm theo ăn chơi, chỉ bán giá 50 nghìn đồng, tương đương 2 USD. Như vậy, khách thấy rẻ và tiện lợi mua nhiều”.

Khách du lịch quốc tế ưa thích đi thuyền trên kênh rạch.

Nhờ dòng Mê Công

Ông Phan Xuân Anh năm nay 70 tuổi, trưởng thành từ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nay lãnh đạo công ty du lịch chuyên đấu thầu trực tiếp từ các hãng tàu du lịch biển quốc tế để giành quyền đưa khách tham quan các nơi khi tàu nhập cảnh vào cảng Hiệp Phước, Cái Mép, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh... Chính vì vậy, ông Anh hiểu “khẩu vị” của khách du lịch quốc tế khá tường tận. “Với khách Mỹ, châu Âu… sang Đồng bằng sông Cửu Long trong đầu họ luôn nhớ đến sông Mê Công và chợ nổi, họ mê hai thứ này. Tổ chức cho khách lên tàu to chạy trải nghiệm trên sông lớn, coi như đó là “Mê Công mẹ”, vào chợ nổi Tân Phong xem “Mê Công con”, xuống thuyền chèo vào các kênh nhỏ là “Mê Công cháu”. Khách lên lộ đạp xe ngắm nhìn cuộc sống người dân ở hạ lưu sông Mê Công, với vẻ đẹp làng quê đầy cây trái thanh bình vô cùng”.

Chợ nổi là một loại hình giao thương đặc biệt của người dân miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long có từ hàng trăm năm nay. Các đơn vị muốn khai thác mạnh thị trường khách quốc tế, thì thứ để “câu” và “giữ” khách đến nhiều hơn, ở lại nhiều ngày, đó là chợ nổi. Vì bên nước họ không có, buộc lòng khi du lịch vùng Mê Công, họ phải đến miền Tây Việt Nam mới được xem, được trải nghiệm chợ nổi.

Ông Phan Xuân Anh cho biết: “Tôi thường xuyên nhắc nhở bà con làm dịch vụ du lịch cần nắm rõ tâm lý, thị hiếu của khách quốc tế. Luôn chú trọng khai thác văn hóa, lịch sử, ẩm thực, đặc điểm miền sông nước ở tại ấp, xã của mình, vận dụng từ cuộc sống hằng ngày vào làm du lịch. Làm như vậy là đúng rồi, không cần đưa thêm những thứ “ngoại lai” vào làm gì, để làm mất đi bản sắc văn hóa độc đáo của dân miền Tây, mà khách quốc tế họ lại chê”.

“Cù lao Tân Phong không còn chợ nổi truyền thống như ngày xưa, đây là lý do tôi rất nỗ lực đầu tư và phục hồi lại chợ nổi Tân Phong. Xét góc độ văn hóa, chợ nổi là thương hiệu quốc gia, là đặc trưng văn hóa miền Tây, phải cố gắng giữ gìn, tôn tạo và phục hồi bằng mọi giá”, ông Anh tâm sự.

Dọc theo chợ nổi Tân Phong người dân chăm sóc diện tích cây lục bình xanh tốt, cành lá dài sẽ thu hoạch phơi khô làm nguyên liệu đan thành túi xách, giỏ đựng đồ dùng, vòng đeo tay... khách mua mang về nước làm quà lưu niệm cho người thân và bạn bè. Tại bến thuyền cuối chợ nổi thuộc ấp Tân Thái, xã Tân Phong có gian nhà bày bán rất nhiều thứ làm từ cây lục bình, tre, gáo dừa... Mấy phụ nữ vừa đan giỏ xách, vừa mời cho khách trải nghiệm các vòng đeo tay.

“Nhờ có chợ nổi Tân Phong hoạt động, dân ở đây sống “dây chuyền” nhau, ai tham gia vô các công đoạn cũng có được thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng. Thầy Xuân Anh dạy không được bán hàng lấy giá cao theo kiểu chặt chém, mình phục vụ thật tốt, bán hàng chất lượng, họ về nước sẽ nói với bạn bè điều hay, ý đẹp của chợ nổi dân mình. Năm sau lượng khách sẽ tăng lên, ấp Tân Thái lại đông vui. Từ Tết đến nay chợ nổi Tân Phong đón nhiều đợt khách Tây du lịch bằng tàu biển, họ cập tàu vào cảng trên Thành phố Hồ Chí Minh đổ xuống đây tham quan đông quá trời, bán hàng không kịp cho khách. Coi như vô mánh”, bà Nguyễn Thảo Thị Ngân, ấp Tân Thái, xã Tân Phong kể.

Ông Fisher, người Mỹ, lần đầu tiên vợ chồng đi du lịch vùng sông Mê Công Việt Nam, đi đâu cũng thấy cánh đồng trồng nhiều loại cây ăn trái, vào vườn được người dân mời ăn trái này, trái kia. “Dưới sông tàu thuyền rất nhiều, có những đoạn sông nhỏ thuyền máy chạy dày đặc nhưng không va vào nhau, họ lái rất giỏi. Thấy đa phần người dân sống ở vùng này mến khách, ai cũng vui vẻ. Lần này tài khoản mạng xã hội của tôi sẽ đăng nhiều ảnh, câu chuyện ở Mê Công Việt Nam”, ông Fisher nói.

Bài và ảnh: Hải Luận

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 14/6/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT