Hoạt động của ngành

Lào Cai: Góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử

Cập nhật: 04/05/2020 09:24:27
Số lần đọc: 817
Những tài liệu, di vật, cổ vật được tìm thấy thông qua các công trình khảo cổ hoặc hiến tặng từ người dân được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh không chỉ nhằm mục đích sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, mà còn là “kho báu” giúp lưu giữ những giá trị lịch sử của cộng đồng các dân tộc từ thời sơ khai đến thế hệ ngày nay.


Người dân tham quan khu vực trưng bày trống đồng (ảnh chụp trước 1/4/2020).

Tháng 3/2019, gia đình bà Hoàng Thị Vắng, ở thôn Tả Thàng, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) trong khi san gạt mặt bằng làm nhà đã phát hiện chiếc trống đồng cổ còn tương đối nguyên vẹn. Gia đình bà đã báo cáo chính quyền và hiến tặng trống đồng cho Bảo tàng tỉnh. Trống đồng Gia Phú rất đẹp, thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm). Đây là hiện vật có giá trị rất lớn về nghiên cứu khoa học, lịch sử và văn hóa. Để làm tốt công tác bảo quản, gìn giữ và phát huy tác dụng cho việc trưng bày sau này, Bảo tàng tỉnh đã lập tờ trình, trình các cấp có thẩm quyền mời chuyên gia chuyên ngành của Viện Khảo cổ học, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á nghiên cứu, giám định hiện vật trên, đồng thời thành lập hội đồng thẩm giá hiện vật.

Tham gia nghiên cứu chiếc trống đồng được tìm thấy ở Gia Phú, Giáo sư - Tiến sỹ Trịnh Sinh (thuộc Viện Khảo cổ học) khẳng định: Đây là một trong những chiếc trống được tìm thấy có giá trị về lịch sử văn hóa của các cư dân Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm. Chiếc trống đồng hoàn thiện cả về mặt mỹ thuật cũng như kỹ thuật đúc đồng không nơi nào có được của người Đông Sơn. Trên mặt trống có hình ngôi sao 12 cánh tượng trưng cho mặt trời, thể hiện tín ngưỡng của người Đông Sơn xưa thờ mặt trời. Mặt trống còn được trang trí hình 8 con chim, hình chèo thuyền, đặc biệt có hình 4 con bò tượng trưng cho nghi thức hiến tế của người xưa. Việc tìm thấy trống đồng Gia Phú cũng như trống đồng Mường Đơ (huyện Bát Xát) đã khẳng định sự tồn tại của cư dân Đông Sơn thời Hùng Vương cách đây hàng nghìn năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày nay.

Bên cạnh các hiện vật trống đồng được tìm thấy gần khu vực sông Hồng, Bảo tàng tỉnh còn tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản hơn 16.000 tư liệu, hiện vật, cổ vật. Trong đó, nhiều sưu tập tư liệu, hiện vật mới có giá trị lịch sử, khoa học, mỹ thuật như văn tự cổ, tranh thờ người Dao; nghề thủ công của người Nùng, Mông, Giáy; hiện vật trống, gương, rìu thời kỳ sơ sử; hiện vật đá thời kỳ tiền sử, thời kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí… Mới đây nhất là những tấm ảnh, hiện vật trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thời kỳ bao cấp đã thể hiện sinh động về đời sống sinh hoạt, sản xuất và tham gia phục vụ kháng chiến của người Lào Cai.

Xác định việc có nhiều tư liệu, hiện vật sẽ làm phong phú hơn cho việc triển khai các cuộc trưng bày theo chuyên đề, dưới sự tham mưu của ngành văn hóa -  thể thao và du lịch, UBND tỉnh đã phát động cuộc vận động “Hiến tặng tư liệu, hiện vật trưng bày cho Bảo tàng tỉnh”. Cuộc vận động đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia hiến tặng, trong đó có nhiều tư liệu quý như bộ bàn ghế của UBND tỉnh sử dụng trong những ngày đầu tái lập; chậu đồng, đồ dùng sinh hoạt của dòng họ đã trải qua 4 thế hệ được trang trí hoa văn nhiều loại; các bộ trang phục truyền thống, đồ dùng sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lào Cai…

Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với Viện Khảo cổ học, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tiến hành nhiều cuộc sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, khảo sát, thám sát tại một số di chỉ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bước đầu xác định những di chỉ, hiện vật được phát hiện có giá trị quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa, như tại di chỉ Mường Đơ (xã Bản Vược, huyện Bát Xát) phát hiện trống nồi, bên trong chứa 4 rìu đồng, bước đầu xác định đây là mộ táng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn; di chỉ Ngòi Nhù (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) là địa điểm phát hiện nhiều hiện vật nhất về văn hóa Sơn Vi (thời đồ đá cũ), văn hóa Hòa Bình (thời đồ đá mới) cách đây 10.000 - 20.000 năm và văn hóa Đông Sơn… góp phần làm phong phú thêm cho kho tư liệu, hiện vật phục vụ các hoạt động trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Từ khi Bảo tàng tỉnh được chuyển về địa điểm mới với cơ sở vật chất, trang - thiết bị được đầu tư hiện đại đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác phân loại, bảo quản cũng như trưng bày các hiện vật, cổ vật. Đến nay, đã có gần 30.000 lượt người đến Bảo tàng tỉnh tham quan, tìm hiểu các hiện vật trưng bày tại đây./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục