Hoạt động của ngành

Lào Cai: Phát huy những giá trị tốt đẹp từ xây dựng đời sống văn hóa

Cập nhật: 19/10/2020 13:55:47
Số lần đọc: 766
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thu được nhiều kết quả, góp phần xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện.


Nhân dân gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà khang trang, kiên cố được xây bên vườn cây ăn quả của gia đình bà Nguyễn Thị Cải ở thôn Nam Hải, chị Lương Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) không ngớt lời khen ngợi: Đây là gia đình tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế và là mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp” điển hình để người dân trong xã đến tham quan, làm theo.

Hưởng ứng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình bà Nguyễn Thị Cải đã đầu tư xây dựng không gian sống của gia đình vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Bà Cải tâm sự: Gia đình tôi có truyền thống làm nông nghiệp, do đó việc làm nhà có không gian thoáng mát, nhiều cây cối sẽ giúp các thành viên trong gia đình có điều kiện nghỉ ngơi, thư giãn để tái tạo sức lao động.

Chị Lương Thị Thu cho biết: Hưởng ứng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ xã Sơn Hải xác định các hội viên là nòng cốt để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Thông qua việc đẩy mạnh vận động, tuyên truyền nội dung các phong trào, cuộc vận động, đến nay chỉ còn 2% hộ hội viên thuộc diện nghèo. Hội cũng duy trì thường xuyên 105 thành viên tham gia mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp”, tiến tới nhân rộng kết hợp với mô hình “Cổng đẹp - tường rào xanh”.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 216 ngày 25/7/2000 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Để phong trào được nhân rộng, đi vào chiều sâu, tạo được đột phá lớn và góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, tỉnh đã ban hành và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương. Đặc biệt, trong các giai đoạn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều đề án liên quan đến văn hóa, như Đề án số 16 “Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010”, Đề án số 13 “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015”, Đề án số 14 “Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trọng tâm là vận động Nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu giai đoạn 2011 - 2015”, Đề án số 8 “Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”.

Trong những năm qua, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa. Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, số nhà văn hóa tăng nhanh hằng năm. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 1.568/1.719 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa (chiếm 91,2%), tăng 130 lần so với năm 1999 và 94/143 xã có nhà văn hóa. Trong đó, 1.032 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn về diện tích, quy mô xây dựng (chiếm 76,67%), còn 226 nhà không đạt chuẩn về diện tích, quy mô xây dựng (chủ yếu được xây dựng giai đoạn 2005 - 2013). Việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa đã tạo ra nhiều địa điểm cho người dân tập luyện thể dục, thể thao. Trong giai đoạn 2015 đến nay, tỉnh luôn duy trì tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể thao thường xuyên đạt hơn 23% dân số, hơn 9% gia đình được công nhận là gia đình thể thao. Toàn tỉnh hiện có hơn 800 câu lạc bộ thể thao, trong đó hơn 200 câu lạc bộ thể thao hoạt động nhiều môn…

Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện. Nhiều chính sách, chương trình, dự án được thực hiện đồng bộ, phù hợp đã có tác động mạnh mẽ và hiệu quả đến công tác xóa đói, giảm nghèo. Năm 2000, toàn tỉnh có 29,96% hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) và đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,46%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 9,87%.

Người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi về nhận thức, việc làm trong xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố văn hóa. Những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc được người dân bảo tồn, phát huy gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước của địa phương và những cam kết thi đua trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, tỷ lệ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa từ năm 2015 đến nay luôn đạt hơn 85%; các thôn, bản, tổ dân phố cơ bản đáp ứng các tiêu chí về văn hóa. Toàn tỉnh hiện có 52 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 2.381 người tảo hôn (chiếm 8,9% tổng số người dân tộc thiểu số kết hôn); 20 trường hợp hôn nhân cận huyết thống (chiếm 0,07%); hơn 97,6% đám tang thực hiện theo quy định về nếp sống văn minh.

Bà Vũ Thanh Nhàn, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Toàn tỉnh đang duy trì gần 1.000 mô hình khác nhau trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Điển hình là các mô hình: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng thôn, bản kiểu mẫu; toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; vệ sinh môi trường làng bản; dòng họ tự quản về an ninh trật tự; thôn, bản bình yên, gia đình hạnh phúc; vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang gắn với học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Tiếng kẻng an ninh”,  “Camera an ninh”, “Xứ đạo yên bình”, “Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp”…


 

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục