Non nước Việt Nam

Lễ cúng Hồn lúa của người Dao ở Tuyên Quang

Cập nhật: 16/12/2020 09:00:57
Số lần đọc: 1097
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, lúa là cây trồng chủ yếu của người Dao ở Tuyên Quang. Người Dao xưa chủ yếu trồng lúa trên nương rẫy, họ quan niệm rằng lúa cũng có linh hồn (vạn vật hữu linh). Khi thu hoạch, hồn lúa sẽ theo về nhà, ẩn trú trong nơi để thóc của mỗi gia đình.


Gia đình anh Sùng Văn Tây, thôn Yểng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) chuẩn bị mâm lễ
trong Lễ cúng cơm mới.  Ảnh: K.T 

Tuy nhiên trong quá trình thu hoạch, có thể còn có ít nhiều những bông lúa, hạt thóc bị bỏ sót trên nương, nên vẫn còn những hồn lúa bơ vơ chưa có nơi trú ẩn. Nếu để vậy, có thể sẽ dẫn đến thất thoát ở các mùa vụ sau. Do đó phải tìm cách gom hết các hồn lúa trên nương về nhà. Bởi vậy, người Dao xưa có nghi thức cúng Hồn lúa.

Lễ cúng Hồn lúa thường được tổ chức vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 theo lịch âm, khi mọi nhà đã gặt hái xong, kết thúc một mùa vụ. Buổi gặt đầu tiên chủ nhà đi trước mọi người, mang theo một ống nứa. Sau khi niệm chú thì phải bước đi một vòng quanh nương lúa, mỗi nơi ngắt một vài bông nặng hạt bỏ vào ống, rồi bịt kín miệng ống đặt vào lều cúng. Khi gặt hái xong, giữ lại bó lúa cuối cùng hợp với những bông lúa trong ống, đưa về nhà, đặt dưới bàn thờ tổ tiên. Đêm hôm đó, hoặc sáng hôm sau sẽ làm lễ cúng Hồn lúa, mừng cho lúa đã thu hoạch xong. Sau lễ cúng, số lúa ấy được xếp vào giữa kho thóc trong nhà.

Đến khoảng tháng 4, tháng 5, số lúa trên được đem phơi lại rồi tuốt ra xay - giã, sàng - sẩy lấy gạo nấu ăn trong nhà (nếu là gạo nếp thì đồ xôi làm bánh dày) với quan niệm: Người lớn ăn có thêm sức khỏe, trẻ nhỏ ăn sẽ mau lớn, người già ăn có thêm tuổi thọ. Cơm và bánh ấy chỉ người trong gia đình ăn, không được cho hoặc biếu người ngoài vì làm như vậy sẽ mất đi hồn lúa của gia đình.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT