Hoạt động của ngành

Meddom Park: Nơi gặp gỡ của di sản, khoa học và du lịch

Cập nhật: 06/12/2021 05:21:46
Số lần đọc: 947
Việt Nam có một công viên độc nhất vô nhị, ít nơi nào sánh bằng, đó là Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Meddom Park). Nằm ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), cách Hà Nội khoảng 90km, Meddom Park là nơi tôn vinh di sản của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời là điểm du lịch sinh thái, du lịch học đường hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đặc sắc với phong cảnh thiên nhiên.  


Du khách tham quan Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Nét chấm phá nơi núi rừng Tây Bắc

Trải rộng trên khuôn viên 34ha, Meddom Park có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, gồm hàng trăm loài cây đặc hữu ở các vùng trong và ngoài nước được di thực về, tạo nên một thảm thực vật với nguồn gen phong phú. Len lỏi khắp khuôn viên là hệ thống hồ, suối uốn lượn giữa rừng thông, rừng chò hay các công trình kiến trúc độc bản như tòa nhà Quyển Sách, tòa nhà Cánh Bướm, nhà Con Công, villa Cánh Cam, cầu Quy Hợp Viên... Mỗi công trình có một chức năng riêng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách như nhà nghiên cứu khoa học, học sinh, sinh viên, khách MICE (du lịch công vụ) hay khách lưu trú, nghỉ dưỡng... Đây chính là điểm khác biệt của Meddom Park.

Các không gian, công trình ở Meddom Park được sắp đặt tại các vị trí khoa học, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và công năng của từng tòa nhà. Nếu như tòa nhà Cánh Bướm giống như một chú bướm khổng lồ, màu sắc sặc sỡ “đậu” giữa núi rừng, là nơi tổ chức sự kiện và trưng bày các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của các nhạc sĩ trong nước thì villa Cánh Cam lại như một chú bọ “nép mình” dưới những tán thông xanh mướt. Villa này đặc biệt phù hợp với các đối tượng khách "nhí" khi được thiết kế như hệ Mặt trời thu nhỏ gồm 6 phòng Trái Đất, Sao Kim, Sao Thủy, Sao Thổ, Sao Mộc, Sao Hỏa, bên trong truyền tải những thông tin đặc trưng của từng ngôi sao, qua đó khuyến khích các em tìm hiểu khoa học.

Ngoài ra, villa Cánh Cam còn có phòng Hệ Mặt trời - nơi sinh hoạt cộng đồng có thiết kế ấn tượng, tạo cho du khách cảm giác như đang trôi giữa dải Thiên hà. Đây cũng là điểm chụp ảnh khá nổi tiếng, được giới trẻ yêu thích.

Bên cạnh sự gần gũi với thiên nhiên, ẩn sâu bên trong, mỗi công trình ở Meddom Park đều mang tính giáo dục cao, hướng du khách tìm về với bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là Nhà sàn Di sản - nơi tái hiện không gian văn hóa các dân tộc bằng các họa tiết thổ cẩm hay những lối đi mang hình dáng các nhạc cụ truyền thống; là cây cầu thép Quy Hợp Viên được xây dựng mô phỏng hình ảnh Khuê Văn Các, mang ý nghĩa khuyến học và khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, sáng tạo thông qua ký hiệu của các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn Mendeleev. Ngoài ra, tại Meddom Park, trẻ em còn được trải nghiệm các trò chơi khoa học cùng nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống bổ ích.

Nơi lưu giữ di sản của các nhà khoa học

Điểm nhấn trong khuôn viên Meddom Park là tòa nhà Quyển Sách, một công trình kiến trúc độc đáo được thiết kế giống một cuốn sách đang mở, khuyến khích du khách khám phá kho tàng tri thức khổng lồ bên trong. Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam vừa chính thức đi vào hoạt động, được coi là “trái tim” của Meddom Park bởi hiện đang lưu trữ khoảng 800.000 tài liệu, hiện vật của 1.740 nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ...

Với sứ mệnh giữ gìn, phát huy những giá trị về khoa học, đạo đức, ý chí và bản sắc của các nhà khoa học Việt Nam, bảo tàng còn là nơi lưu giữ các di sản vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học cao tuổi trong cả nước. Thông qua các di sản này, du khách cảm nhận được tình yêu với ngành Khoa học và trách nhiệm với đất nước của các nhà khoa học; từ đó thúc đẩy tinh thần học tập, say mê nghiên cứu, cống hiến cho đất nước.

“Lần đầu tiên chúng tôi biết đến một không gian văn hóa ý nghĩa và tuyệt vời như thế này. Thầy trò chúng tôi có những trải nghiệm, khám phá ấn tượng, qua đó các học sinh cũng thấy được rằng: Tuy khó khăn nhưng các nhà khoa học đã rất nỗ lực để đạt được những thành tựu to lớn không chỉ có ảnh hưởng trong nước mà còn ở quốc tế. Từ đó, các em cũng thấy cần phải cố gắng và phấn đấu nhiều hơn”, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội Phạm Minh Phương chia sẻ cảm nghĩ sau khi tham quan bảo tàng.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng: “Nhờ bảo tàng này, di sản của các nhà khoa học Việt Nam được sưu tầm, gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị. Nếu không, những cống hiến của các nhà khoa học sẽ không được lưu giữ một cách toàn diện... Lưu giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học là phần việc rất quan trọng”.

Cao Minh

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục