Hoạt động của ngành

Nam Đinh: Nam Trực khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 18/10/2019 08:43:33
Số lần đọc: 1025
Huyện Nam Trực là nơi hội tụ và bảo lưu nhiều giá trị văn hoá truyền thống. Trên địa bàn huyện hiện có 234 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 61 di tích đã được xếp hạng, gồm 13 di tích cấp quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích có kiến trúc nghệ thuật, giá trị văn hoá đặc sắc gắn liền với lễ hội dân gian được tổ chức hàng năm như: lễ hội làng Vân Chàng, lễ hội Đồng Côi, lễ hội Chùa Bi, thị trấn Nam Giang; lễ hội Đền Xám, xã Hồng Quang; lễ hội đền Din, xã Nam Dương; lễ hội làng Thanh Khê gắn với Thanh Am Động, xã Nam Cường…

Vật chầu Thánh trong lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang.

Thời gian qua, huyện Nam Trực đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh. Trong các lễ hội, ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội đặc biệt chú trọng khôi phục, phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống như bơi chải, đấu vật, thi đấu cờ người, leo cầu ngô, bắt vịt, múa rối đầu gỗ… để thu hút nhân dân địa phương và khách thập phương. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 20 đội bơi chải, tập trung ở các xã Hồng Quang, Điền Xá, Nam Hải, Nam Thanh; riêng thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang có 10 đội bơi chải gắn với lễ hội Đền Xám được tổ chức hàng năm vào các ngày 17 đến 19-8 (âm lịch). Trong lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng Giêng hàng năm, môn vật chầu Thánh luôn thu hút sự tham gia của nhiều đô vật và hàng nghìn du khách mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trong lễ hội đã được gìn giữ, khôi phục như: Hát chèo ở các xã Nam Thái, Nam Dương, Nghĩa An; múa tứ linh ở các xã Nam Cường, Nam Thắng…; các loại hình diễn xướng, bộ môn nghệ thuật, trò chơi dân gian độc đáo như: Kéo chữ ở hội làng Đồng Côi; múa rối cạn tại lễ hội Chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang)… Tại lễ hội Chùa Đại Bi (từ ngày 20 đến 22 tháng Giêng) hàng năm, các nghệ nhân hát rối đầu gỗ (rối cạn) lại trình diễn các trích đoạn, giáo trò kết hợp với múa tiên, hát giáo về luân lý... Nghệ thuật hát rối đầu gỗ giúp cho lễ hội Chùa Đại Bi thêm phong phú, đặc sắc. Ở xã Hồng Quang, các thế hệ nghệ nhân thôn Rạch đã đưa rối nước thành bộ môn nghệ thuật độc nhất vô nhị. Các tích trò của phường rối nước Nam Chấn, làng Rạch vừa thể hiện sự phong phú, độc đáo của nghệ thuật rối nước, vừa mộc mạc, dân dã, phản ánh chân thực cuộc sống lao động sản xuất của người nông dân. Tại đây, du khách được những người thợ kể về lịch sử hình thành nghệ thuật múa rối nước, quá trình hình thành một con rối và trải nghiệm tự tay bào, đục hoặc sơn thếp con rối theo hướng dẫn. Ông Đặng Văn Khi, Trưởng đoàn múa rối nước Hồng Quang cho biết: Với lịch sử tồn tại lâu đời, phường rối Nam Chấn hiện có hơn 1.000 con rối với 40 tích trò được bảo tồn, khôi phục và phát triển từ nghệ thuật rối cổ để phục vụ du khách. Không chỉ tham gia biểu diễn, các thành viên của phường rối còn là những người trực tiếp sản xuất con rối. Chính điều đó đã tạo nên bản sắc riêng khiến nghệ thuật múa rối ở làng Rạch không lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Bộ môn nghệ thuật độc đáo múa rối cạn, múa rối nước ở Nam Trực đã trở thành bản sắc độc đáo, nhu cầu tinh thần của người dân địa phương. Bên cạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch làng nghề, trải nghiệm đồng quê cũng được huyện xác định là sản phẩm du lịch đặc thù. Huyện Nam Trực hiện có 18 làng nghề truyền thống, trong đó có 12 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Tiêu biểu như: Nghề làm đèn ông sao, hoa giấy ở làng Báo Đáp, xã Hồng Quang; nghề làm nón lá xóm Rục Kiều, thôn Cổ Gia, xã Nam Hùng; nghề dệt vải thôn Liên Tỉnh, xã Nam Hồng; nghề đúc đồng thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến; nghề làm kẹo lạc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh; nghề trồng hoa, cây cảnh thôn Vị Khê, xã Điền Xá; nghề làm miến, bánh đa làng Phượng, xã Nam Dương…

Với định hướng tập trung đầu tư cho các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, những năm qua huyện Nam Trực đã quan tâm tu bổ tôn tạo các di lịch lịch sử văn hóa Chùa Đại Bi, Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền; khai thác các nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng du lịch. Trong đó, cơ sở hạ tầng tại làng nghề du lịch sinh thái Điền Xá được ngân sách Trung ương hỗ trợ 19,5 tỷ đồng. Bên cạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, các loại hình văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm, phát triển để thu hút khách du lịch. Thời gian tới, huyện Nam Trực tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các điểm du lịch; thu hút và có chính sách ưu đãi với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa khách đến các điểm du lịch trên địa bàn. Xây dựng các chương trình gắn kết giữa các điểm du lịch trong huyện với các địa phương trong tỉnh; đưa hoạt động du lịch ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

Nguồn: baonamdinh.com.vn

Cùng chuyên mục