Tin tức - Sự kiện

Nâng tầm sản phẩm du lịch văn hóa tạo động lực thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế

Cập nhật: 15/04/2023 08:38:54
Số lần đọc: 350
(TITC) - Sáng ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức “Diễn đàn phát triển du lịch văn hóa Việt Nam”, đây là sự kiện quan trọng hàng đầu trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023.
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan phát biểu khai diễn đàn. Ảnh: TITC
 
Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan; đại diện các cơ quan quản lý du lịch Trung ương và địa phương; đại diện các chi hội, liên chi hội du lịch, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố và đông đảo các doanh nghiệp du lịch, cơ quan báo đài.
 
Khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết nhiều quốc gia trong khu vực trên thế giới đã coi văn hóa và khai thác các yếu tố văn hóa để khai thác phát triển du lịch. Điển hình thành công có thể kể đến một số quốc gia trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia,… Hàn Quốc đã giới thiệu các giá trị văn hóa như bảo tàng, triển lãm nghệ thuật kết hợp chuyển đổi số để mang lại trải nghiệm mới về văn hóa và các tác phẩm nghệ thuật.
 
Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trong khu vực, một vấn đề đặt ra là khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch có thể coi là hướng đi mới giúp cho ngành du lịch Việt Nam sớm phục hồi.
 
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TITC
 
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết Đảng và Nhà nước đã xác định mục tiêu đưa du lịch sớm trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước và yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
 
Xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.
 
Với những chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, chính sách về phát triển du lịch văn hóa, sản phẩm du lịch văn hóa đã có điều kiện được quan tâm, đầu tư và có nhiều kết quả khả quan. Những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnaval biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền...
 
Bên cạnh đó, nhiều giá trị nghệ thuật cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh Ký ức Hội An, Áo dài, Tinh hoa Bắc Bộ, Múa rối nước, À Ố Show, Tinh hoa Việt Nam, Kiss The Stars... Các tour du lịch làng nghề cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
 
 
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: TITC
 
Du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á và còn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) bình chọn. Có thể thấy tất cả các giải thưởng này đều gắn với sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.
 
Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15/3/2023 vừa qua, nhiều vấn đề quan trọng, mang tính định hướng của toàn ngành đã được đưa ra bàn luận, đánh giá, nhìn nhận đa chiều trong đó có vấn đề phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam gắn với khai thác hiệu quả, bền vững các giá trị văn hóa, truyền thống, hiện đại của dân tộc.
 
Tổng cục trưởng đã đưa ra một số gợi ý về định hướng giải pháp góp phần đưa du lịch văn hóa phát triển như chính sách, chủ trương, kế hoạch hành động khai thác giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch cần phải được các địa phương thật sự quan tâm, ban hành triển khai cụ thể, đồng thời trên cơ sở thế mạnh di sản văn hóa của mình, phải ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch nói chung và khách quốc tế nói riêng.
 
Công tác phối hợp giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lĩnh vực du lịch cần được chú trọng, tăng cường và đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Nguồn nhân lực du lịch cần được nâng cao về chất lượng, phát triển về số lượng đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn nghề ASEAN.
 
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa nói riêng phải chuyên nghiệp, hiệu quả. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cần được quan tâm, được đầu tư tương xứng tại các địa điểm có di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà hát, trung tâm điện ảnh, làng nghề thủ công truyền thống.
 
 
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TITC
 
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, vai trò của tài nguyên văn hóa trong việc thu hút khách du lịch, tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến ngày càng rõ ràng hơn, tài nguyên văn hóa được xem là nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương. Hai lĩnh vực văn hóa – du lịch liên kết ngày càng rõ ràng hơn và sâu sắc hơn bởi vì xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi thúc đẩy bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc, sự khác biệt của văn hóa mỗi quốc gia.
 
Vai trò của du lịch văn hóa ngày càng được coi trọng hơn vì du lịch văn hóa đã tăng thêm việc làm ở vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần vào tăng thu nhập cho người dân. Đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của sản phẩm du lịch.
 
Vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch văn hóa là trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó vai trò của nhà nước là quan trọng. Đẩy mạnh hợp tác công tư trong đó nhà nước đầu tư nội dung cơ bản, khối tư nhân đầu tư dịch vụ du lịch, các sản phẩm kết nối. Bên cạnh đó là xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, đưa khái niệm văn hóa sâu hơn vào các sản phẩm du lịch.
 
 
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TITC
 
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định hiện đang thiếu vắng các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn hấp dẫn phục vụ du khách. Thiếu những tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền về văn hóa Việt Nam với những nét đẹp, nét đặc thù. Khách quốc tế đến Việt Nam chưa được cung cấp những đặc trưng về truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam. Nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam khách trong nước vẫn còn chưa được biết rõ. Một số chương trình thực cảnh vẫn dùng các phương pháp cũ, với các mô hình không thể chuyển đổi được về nội dung vì không thể thay thế được thiết kế sân khấu.
 
Do vậy nhu cầu xây dựng những chương trình nghệ thuật quảng bá cho văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc dân tộc tại các điểm du lịch là việc vô cùng thiết thực, ý nghĩa, đóng vai trò kích hoạt và hỗ trợ sự phát triển ngành du lịch trong thời đại hội nhập quốc tế, thu hút khách trong và ngoài nước.
 
Đáp ứng nhu cầu đó, Bộ VHTTDL đang phối hợp xây dựng chương trình thực cảnh “Việt Nam Huyền sử diễn ca”. Đây là chương trình nghệ thuật kết hợp công nghệ biểu diễn và công nghệ âm thanh ánh sáng hiện đại. Chương trình có thể đưa vào đầu tư khai thác thành sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao. Bên cạnh đó là chương trình Liên kết thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh sẽ diễn ra tại Khánh Hòa vào cuối tháng 5/2023 với rất nhiều hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp, nhà hoạt động điện ảnh, điểm đến. Đây là hoạt động nằm trong 12 chương trình trọng điểm của Bộ VHTTDL.
 
Cũng tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã chia sẻ về một số sản phẩm du lịch văn hóa đã được hình thành trong thời gian qua tại Bắc Giang, Hội An, Huế, Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp du lịch trao đổi vấn đề tồn tại và vướng mắc trong phát triển du lịch văn hóa Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển trong giai đoạn mới.
 
Trung tâm Thông tin du lịch
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 14/4/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT