Non nước Việt Nam

Nghi lễ Then là di sản văn hóa của nhân loại

Cập nhật: 13/12/2019 10:25:33
Số lần đọc: 988
Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Quyết định trên được UNESCO đưa ra tại phiên họp lần thứ 14 ở Bogotá, Cộng hòa Colombia, ngày 13/12.

Theo UNESCO, hồ sơ đề cử thực hành Then của Việt Nam đáp ứng đủ 5 tiêu chí để vinh danh. Trong đó, thực hành Then "là một phần trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ".

Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Nhờ các chức năng văn hóa xã hội, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.

Theo Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), các lễ Then diễn tả hành trình thầy Then (ông Then hoặc bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới...

Khi các thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ then những vị thần bản địa khác nhau. Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà thầy. Thầy Then mặc lễ phục và vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt, có tốp nữ múa phụ hoạ.

Then được duy trì, kế tục qua các thế hệ bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ. Theo thống kê, mỗi năm các thầy Then thực hành khoảng 200 nghi lễ.

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai)./.


 

Nguồn: vnexpress.net

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT