Non nước Việt Nam

Những nghề thủ công truyền thống của người Nùng An ở Quảng Uyên

Cập nhật: 09/07/2019 08:36:03
Số lần đọc: 1451
Các nghề thủ công truyền thống như: rèn, dệt vải, nhuộm chàm, làm hương, làm giấy bản… đã gắn bó chặt chẽ với quá trình tồn tại và phát triển của người Nùng An ở Quảng Uyên. Hiện nay, những nghề trên được lưu giữ và phát triển tại một số xóm ở các xã: Phúc Sen, Đoài Khôn, Quốc Dân, Tự Do…, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống người Nùng An và mang đậm dấu ấn văn hóa làng nghề.


Du khách trải nghiệm làm nghề rèn thủ công truyền thống người Nùng An tại xã Phúc Sen (Quảng Uyên).

Nghề rèn: Nghè rèn của người Nùng An ở Phúc Sen là nghề truyền thống nổi tiếng nhất, mang đậm bản sắc của người Nùng An. Sản phẩm rèn của người Nùng An rất phong phú, có uy tín không chỉ trong phạm vi nội tỉnh mà còn có mặt trên thị trường ngoại tỉnh. Nghề rèn được truyền theo phương thức “cha truyền con nối”, được truyền dạy theo phương pháp thực hành tại chỗ và do tính chất nghề nghiệp nên đồng bào Nùng An chỉ truyền nghề cho con trai. Ngày 29/1/2019, nghề rèn của người Nùng An ở Phúc Sen được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận, tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nghề dệt vải, nhuộm chàm: Trước kia, hầu hết phụ nữ người Nùng An đều tự trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm để tự túc may mặc trong gia đình. Với kinh nghiệm, bí quyết riêng, vải chàm người Nùng An thường giữ được màu lâu, có độ bền cao và tinh tế trong từng đường nét. Tài nghệ dệt vải cũng là một chuẩn mực để người Nùng An đánh giá sự khéo léo, đảm đang, tinh tế của người phụ nữ, nhất là con gái trước khi lấy chồng. Vì vậy, con gái Nùng An bao giờ cũng được các bà, các mẹ dạy bảo hướng dẫn tỉ mỉ tất cả các khâu kỹ thuật dệt vải, nhuộm chàm.

Nghề làm hương: Sản phẩm hương của người Nùng An không chỉ được phục vụ chính đồng bào Nùng An mà còn được nhiều người dân tộc khác ưa chuộng và trở thành hàng hóa có mặt trên khắp các chợ phiên, thị trường trên địa bàn tỉnh bởi hương thơm đặc trưng, dễ chịu và đảm bảo an toàn vì được làm từ những nguyên liệu trong tự nhiên. Làm hương có nhiều công đoạn phức tạp. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trong rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu với nhau.

Nghề làm giấy bản: Nguyên liệu để làm giấy bản của người Nùng An được làm từ vỏ cây “mạy sla”. Mỗi bể giấy bản sử dụng 2 kg vỏ “mạy sla” sẽ làm được 40 - 50 tệp giấy bản thành phẩm. Việc làm giấy bản không gây ô nhiễm môi trường, bởi sau khi chặt cây tước lấy vỏ, tận thu thân cây làm chất đốt, lá cây dùng để chăn nuôi trâu, bò. Nghề làm giấy bản đang được người Nùng An bảo tồn và phát huy đem lại thu nhập ổn định.

Nghề làm ngói máng: Sản phẩm ngói máng người Nùng An vừa đẹp vừa bền hàng trăm năm không hỏng, do đó từ lâu, ngói máng không chỉ tiêu thụ trong vùng mà vượt ra cả các huyện trong tỉnh. Để làm ra được viên ngói, họ phải lấy được 3 loại đất đào sâu hơn chục mét mới có, gồm: đất đen, đất đỏ, đất sét về trộn với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi cho trâu dẫm, nhào 3 - 4 ngày mới có thể lên khuôn làm viên ngói. Sau đó đem vào lò nung 4 - 5 ngày nữa mới thành phẩm. Để cho ra lò những viên ngói có màu đỏ đẹp, không cong vênh, người làm phải có bí quyết chọn đất, pha trộn đất hợp lý... Hiện nay, dù đã trải qua bao thăng trầm, nghề làm ngói máng của người Nùng An vẫn được bảo tồn.

Nghề đan lát mây tre: Đan lát không chỉ là nghề truyền thống lâu đời của người Nùng An mà từ lâu đã trở thành một sản phẩm được công nhận bởi sự tinh tế và bền chắc phục vụ cho nhu cầu của nông dân. Những mặt hàng mây tre đan lát của người Nùng An được bày bán tại khắp các chợ phiên trong tỉnh. Sản phẩm đan lát mây tre nơi đây khá đa dạng và phong phú, gồm: lồng gà, vịt; sọt gánh, bồ đựng thóc...

Nghề đan lát không những góp phần đem lại thu nhập cho người dân mà còn gìn giữ nét đặc trưng của dân tộc, một phong tục, tập quán canh tác nông nghiệp lâu đời của người Nùng An.

Ngoài những nghề nêu trên, người Nùng An còn có nhiều nghề truyền thống hiện vẫn được gìn giữ, bảo tồn, như: nghề đẽo đá, nghề mộc… Mỗi nghề thủ công truyền thống của người Nùng An ở Quảng Uyên đều gắn với sự hình thành, tồn tại và phát triển của cộng đồng, cũng là tinh hoa của dân tộc Nùng An và trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Song, cũng như các nghề thủ công truyền thống khác, các nghề thủ công truyền thống của đồng bào Nùng An ở Quảng Uyên đang đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền do không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất hàng loạt trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy, thời gian tới cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý. Trong đó, cần gắn liền với tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch...

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT