Non nước Việt Nam

Phong tục mừng thọ của người Tày ở Nguyên Bình (Cao Bằng)

Cập nhật: 22/03/2021 08:23:42
Số lần đọc: 1615
Lễ mừng thọ cho người cao tuổi của người Tày ở Nguyên Bình thường được tổ chức vào mùa xuân, nhiều nhất là những ngày trong và giáp Tết. Đây là nét đẹp văn hóa mang bản sắc riêng được người dân nơi đây lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Theo phong tục truyền thống, người Tày ở Nguyên Bình sẽ tổ chức lễ mừng thọ báo hiếu cho ông bà, cha mẹ theo độ tuổi nhất định, đó là: 49 tuổi làm lễ Phúc, 61 tuổi làm lễ Thọ, 73 tuổi làm lễ Khang, 85 tuổi làm lễ Ninh. Thời gian tổ chức lễ kéo dài gần hai ngày, bắt đầu từ sáng hôm trước và kết thúc vào tối hôm sau. Lễ mừng thọ gồm hai phần: phần lễ và phần gia đình tổ chức cỗ đãi họ hàng, khách đến chúc mừng. Những người đến chúc mừng thường mang gạo, rượu, tiền, quần áo, khăn, mũ và một bức trướng để chúc mừng người được làm lễ. Nhà nào có con gái đã đi làm dâu, đến ngày mừng thọ bố mẹ thì mang đến thêm một con lợn quay, hoa quả, bánh kẹo.

Trong phần nghi lễ, gia chủ sẽ mời bà Then, ông Tào về làm bụt. Theo quan niệm của người dân, chỉ có ông, bà bụt cùng lời ca của họ mới có thể giúp xua đuổi tà ma, nói chuyện với người đã khuất, đặc biệt là đưa lời cầu khấn của con cháu đến với các vị thần linh và tổ tiên.

Các lễ vật để cúng trong ngày mừng thọ gồm: 1 chiếc thủ lợn; 1 con gà luộc; trứng gà; 1 cây tre; 1 cây chuối còn tươi có cả gốc rễ, cành lá, cao khoảng 2 mét; 1 bó hoa rừng (lấy một bông hoa chuối và các loại cành lá cây thơm về bó lại)… Các lễ vật được chia làm 3 mâm cúng chính, một mâm để làm bụt, một mâm đặt dưới chân bàn thờ của người được mừng thọ, một mâm để cúng “mẹ bjoóc” cho trẻ con (nếu nhà không có trẻ con không cần làm mâm cúng này).

Ngoài ra, trong mâm lễ cúng còn có các hình nhân bằng giấy cắm vào bát gạo nhằm để giữ phần hồn vía, xua đi rủi ro, bệnh tật, giúp người được mừng thọ luôn mạnh khỏe. Sau khi làm lễ, các hình nhân này được đem đốt cùng với vàng mã.

Trình tự Lễ mừng thọ được làm theo lời chỉ dẫn của bà Then, ông Giàng, ông Tào với cách hành lễ khác nhau. Trước khi kết thúc phần lễ, gia đình cử hai nam giới khỏe mạnh mang cây tre và cây chuối còn rễ tượng trưng cho cây mệnh đã chuẩn bị sẵn trồng vào góc vườn nhà theo hướng về phía Đông. Hai cây mệnh này phải được chăm sóc cho cây mọc xanh tốt. Trong trường hợp khô hạn, người ta thắp hương vào một cây chuối trong vườn và lấy cây đó là cây mệnh.

Đồng thời cử người đem ba đoạn gỗ tươi đi đóng cầu mệnh ở ven đường, hai đầu cây cầu được chốt cố định bằng đinh gỗ có đệm hai mảnh vải nhỏ trắng và đen. Bởi người ta tin rằng cầu mệnh có tác dụng hộ mệnh, nhờ đó linh hồn sẽ thoải mái đi trên chiếc cầu vượt qua biển lớn, đi trên con đường rợp bóng mát giúp tránh mệt mỏi, ốm đau…

Sau phần lễ, gia đình tổ chức cỗ đãi họ hàng và khách đến chúc mừng, chung vui trong không khí vui vẻ. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, cỗ mừng thọ của các gia đình khác nhau, nhà có điều kiện kinh tế khá giả sẽ mời nhiều khách với các món ăn phong phú, nhà điều kiện kinh tế khó khăn hơn thường chỉ làm lễ và mời họ hàng thân thiết đến chung vui.

Hiện nay, tục lệ tổ chức mừng thọ các độ tuổi 49, 61, 73, 85 vẫn được người Tày ở Nguyên Bình gìn giữ khá nguyên vẹn, bởi theo quan niệm, cuộc đời của một người đi qua trên cây cầu mệnh bằng gỗ, theo thời gian cây cầu bị mục, gãy cần phải sửa sang lại cho chắc chắn.

Bắt đầu từ tuổi 49 do bịch gạo mệnh đã úa vàng nên con người có những biểu hiện của tuổi già như: mắt kém, răng yếu, tóc điểm bạc..., chính vì vậy, cần phải tổ chức Lễ mừng thọ để “pố lương” cho bịch gạo mệnh được đầy, bắc lại cây cầu mệnh cho vững chắc, trồng lại cây mệnh xanh tươi, trình xin hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu gia hạn thêm sự sống cho người được mừng thọ.

Phong tục mừng thọ là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Tày cần được gìn giữ, đây không chỉ là dịp để con cháu thể hiện sự hiếu thảo, lòng kính trọng, biết ơn đối với bậc sinh thành, mà còn là dịp để mọi người đoàn tụ, quầy quần vui vẻ bên nhau./.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT