Hoạt động của ngành

Phú Thọ phát triển làng nghề gắn với du lịch

Cập nhật: 12/05/2021 08:34:07
Số lần đọc: 1183
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ tự các vua Hùng đã có công dựng nước. Đền Hùng trở thành điểm hội tụ văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, thể hiện sự tri ân công đức các vua Hùng và tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khai thác tốt lợi thế du lịch về nguồn, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch về Đền Hùng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch bền vững.  


Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại làng nghề đan lát Ba Đông, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy

Toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề với trên 20 nghìn lao động. Nhiều làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, nhiều sản phẩm nổi tiếng được du khách gần xa biết đến, là điều kiện thuận lợi để gắn kết, phát triển làng nghề gắn với du lịch về Đền Hùng. Mỗi sản phẩm làng nghề không chỉ là hàng hóa thông thường mà còn là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, thể hiện khiếu thẩm mỹ, kết tinh sự sáng tạo, tinh thần lao động của người làm nghề. Điều đặc biệt hấp dẫn khách du lịch khi đến với làng nghề chính là họ có thể trải nghiệm, tham gia vào quá trình sản xuất, vào một số công đoạn chế tác sản phẩm, hiểu thêm về văn hóa làng nghề. 

Lấy Đền Hùng làm trung tâm, nhiều tour du lịch kết hợp với các điểm di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống thành một chuỗi các điểm tham quan mang ý nghĩa tâm linh, kết hợp tìm hiểu văn hoá và khám phá di sản văn hoá vùng Đất Tổ.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Hiện có trên 10 làng nghề trên địa bàn tỉnh được kết nối với du lịch Đền Hùng để cho khách tham quan, trải nghiệm như: Làng nghề nón lá Gia Thanh, nón lá Sai Nga, rau an toàn Tân Đức, chế biến thực phẩm Đoàn Kết, tương làng Bợ, tương Dục Mỹ... Các làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường, sản phẩm mang đặc trưng của Phú Thọ và có thể kết nối với tour du lịch Đền Hùng được khảo sát, tiến hành xúc tiến, quảng bá giới thiệu để trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch. Ở mỗi làng nghề gắn với du lịch về nguồn là sự kết hợp với tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của làng nghề, góp phần quảng bá về du lịch Phú Thọ và phát triển làng nghề theo hướng gắn với du lịch. Đây cũng là lợi thế để phát triển du lịch học đường, giúp các em hiểu về lịch sử dân tộc và kết hợp với trải nghiệm làng nghề.


Làng nghề tương Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao là điểm thu hút khách trải nghiệm nghề làm tương.

Các làng nghề trải rộng ở các huyện trên địa bàn tỉnh, nếu khai thác tốt đa phần đều có khả năng phát triển về du lịch. Trên địa bàn thành phố Việt Trì có các di tích, danh thắng, có làng nghề rau, chế biến thực phẩm, làng nghề bánh chưng, bánh giầy, trồng hoa đào. Du khách sau khi thăm Đền Hùng có thể ghé thăm để tìm hiểu về làng cổ, về những phong tục tập quán của người dân bản địa, đồng thời trải nghiệm, tham quan làng nghề, thưởng thức những đặc sản làng quê. Đến với huyện Thanh Thủy du khách được tìm hiểu, trải nghiệm nhiều di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể được lưu truyền trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc cùng các lễ hội dân gian độc đáo gắn với truyền thuyết thời đại Hùng Vương. Sau khi thăm đền Lăng Sương, đình Đào Xá, du khách thăm làng nghề đan lát Ba Đông, tương làng Bợ... Là tỉnh có tiềm năng phát triển cây chè với 15 làng nghề sản xuất chè, việc kết nối du lịch với làng nghề chè để du khách tham quan đồi chè tuyệt tác và thưởng thức hương vị đậm đà riêng có của chè Phú Thọ cũng là cách để quảng bá hiệu quả thương hiệu chè xanh Phú Thọ và thúc đẩy làng nghề chè phát triển. Có thể thấy, làng nghề gắn với du lịch Đền Hùng không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn mà các làng nghề đã lưu giữ và phát triển những sản phẩm truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương. 

Nghề làm nón lá Sai Nga, huyện Cẩm Khê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đây là nền tảng để làng nghề tiếp tục phát huy tiềm năng về du lịch. Làng nghề được gìn giữ, tiếp nối qua nhiều thế hệ như một nét đẹp văn hóa của mảnh đất này. Trải qua thời gian, bằng bàn tay khéo léo, người dân làng nghề đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm nét đời sống, văn hoá địa phương. Ông Hoàng Danh Ca - Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Khê cho biết: Làng nghề nón lá Sai Nga hiện có khoảng 500 hộ làm nghề, địa phương chú trọng đến công tác gìn giữ và truyền dạy để nghề phát triển. Nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, từ cách thức làm nón truyền thống, người dân đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cho sản phẩm hàng hóa và phục vụ du khách. Khi gắn kết với du lịch, nón trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa cho du khách bốn phương.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch được khai thác một cách bài bản, chuyên nghiệp sẽ là phương tiện giao lưu, quảng bá văn hóa một cách sâu rộng và có hiệu quả, góp phần tôn vinh, bảo tồn, giới thiệu rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống của Đất Tổ với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

 

 

Nguồn: baophutho.vn

Cùng chuyên mục