Hoạt động của ngành

Phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô

Cập nhật: 18/02/2022 08:57:33
Số lần đọc: 823
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND (ngày 10-2-2022) về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022-2023. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm, kế hoạch đưa, đón khách an toàn để phục hồi du lịch Thủ đô sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.


Du khách quét mã QR tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Trọng Hiếu

Xây dựng sản phẩm đặc thù

Từ cuối tháng 10-2021, ngay sau khi thành phố Hà Nội cho phép mở một số dịch vụ như bảo tàng, cơ sở lưu trú…, nhiều đơn vị du lịch đã xây dựng sản phẩm mới, kích cầu khách nội địa, nhất là khuyến khích “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”. Điển hình là Công ty Lữ hành Hanoitourist kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức sản phẩm đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; Công ty Du lịch VietFoot Travel tổ chức các tour du lịch đạp xe khám phá phố cổ và một số vùng ngoại thành của Thủ đô.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, động thái này đã mang đến sự khởi sắc nhất định cho du lịch Thủ đô trước bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch Covid-19. Chỉ tính riêng trong đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hà Nội đã đón hơn 105.000 lượt du khách, mở ra hy vọng về việc sớm phục hồi ngành Du lịch Thủ đô.

Tại hội nghị chuẩn bị điều kiện mở cửa phục hồi, phát triển du lịch do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 2 vừa qua, nhiều đơn vị du lịch cho biết đang triển khai xây dựng một số sản phẩm mới, đặc thù. Phó Giám đốc Công ty Vietravel Phạm Văn Bảy thông tin, đơn vị sẽ xây dựng các gói sản phẩm khám phá Hà Nội từ 1 đến 3 ngày. Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Mỹ Nghệ, Hiệp hội phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành thành viên xây dựng một số sản phẩm mới cho Thủ đô.

Ở khu vực ngoại thành, nhiều sản phẩm du lịch mới đang hình thành. Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ (Vườn quốc gia Ba Vì) Nguyễn Phi Hùng, sau mùa hoa dã quỳ năm 2021 thu hút hơn 25.000 lượt khách, tới đây, đơn vị sẽ xây dựng sản phẩm mới “Mùa hoa sim” để thu hút khách du lịch vào mùa hè. Trong khi đó, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Đặng Thạo thông tin, đơn vị đã có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch theo từng chủ đề, nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Du khách tham gia tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” do Công ty Lữ hành Hanoitourist kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức. Ảnh: Hồng Hà

Cần đồng bộ chính sách

Tín hiệu vui ngay từ đầu năm 2022 đã mở ra nhiều kỳ vọng để sớm phục hồi ngành Du lịch của Thủ đô, đặc biệt là khi thành phố đã cho mở cửa trở lại tất cả điểm di tích, khu du lịch. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng, như: Sự thiếu nhất quán trong chính sách đón khách của Hà Nội và nhiều địa phương; nguồn nhân lực lao động đang bị hao hụt...

Bàn về giải pháp sớm phục hồi du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Mỹ Nghệ đề xuất, cần thiết lập “hành lang du lịch xanh”, xây dựng thêm các liên minh, liên kết du lịch để cùng xây dựng sản phẩm chất lượng, giá ưu đãi, cũng như tăng tính liên kết giữa các địa phương để tăng lượng khách hai chiều cho Hà Nội.

Còn theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng, cơ quan quản lý du lịch cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, Hà Nội cần có chiến lược quảng bá về việc mở cửa đón khách cũng như các sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và giá cả.

Trước yêu cầu cần nhanh chóng phục hồi du lịch Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022-2023. Theo đó, kịch bản và lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Hà Nội có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (quý I và II-2022): Tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn. Giai đoạn 2 (từ quý III-2022): Dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố; triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ. Với lộ trình này, Hà Nội kỳ vọng sẽ mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trong năm 2022, phấn đấu đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, để thực hiện tốt kế hoạch phục hồi, trước mắt Hà Nội sẽ tập trung triển khai việc nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch gắn với di sản, di tích, làng nghề, đồng thời xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng du lịch xanh. “Cần sẵn sàng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để đón khách, nhưng các đơn vị vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19”, bà Đặng Hương Giang lưu ý.

Hoàng Lân

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục