Non nước Việt Nam

Quá trình hình thành, phát triển của làng nghề sơn mài Hạ Thái

Cập nhật: 13/12/2019 09:53:48
Số lần đọc: 1021
Làng nghề thủ công truyền thống sơn mài Hạ Thái nằm ngay trục quốc lộ 1A cũ, đến gần cầu Quán Gánh, rẽ trái vào đường liên xã Duyên Thái, qua cầu chui dân sinh là đến.


Công đoạn dát bạc đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và khéo léo. (Ảnh: Phương Linh/Báo Ảnh Việt Nam)

Ngày xưa, làng có tên là Cự Tràng trang, năm 1870 đổi tên là làng Đông Thái và đến đầu thế kỷ XX thì chính thức mang tên là làng Hạ Thái.

Tương truyền, nghề sơn Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ XVII, lúc đó mới chỉ là nghề sơn đồ nét. Tuy không phải là phường đất tổ nghề sơn của Việt Nam, nhưng phường sơn Hạ Thái ngày trước được trọng dụng vì có nhiều thợ tài hoa, khéo léo, sáng tạo.

Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, những họa sỹ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… và đặc biệt, là đưa kỹ thuật mài vào, tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen.

Kể từ năm 1955 đến nay, nghề sơn mài làng Hạ Thái đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng nhìn chung ngày càng phát triển bền vững.

Từ khi cơ chế thị trường mở ra, làng nghề lại phát triển nhưng chủ yếu là các hộ gia đình. Tính chung cả làng nghề Hạ Thái có 800 hộ dân, trong đó có tới gần 90% hộ dân làm nghề sơn mài với khoảng 1.600 lao động và hàng ngàn lao động vệ tinh tại các làng lân cận.

Hạ Thái được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề năm 2001. Mỗi năm, Hạ Thái sản xuất hàng triệu sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao, mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.

Sự ổn định của làng nghề cùng với việc bảo tồn những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của sản phẩm đã góp phần để Hạ Thái trở thành một trong hai làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trong cả nước được Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn làm điểm chiến lược phát triển làng nghề bền vững đến năm 2010.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người Hạ Thái còn tạo ra hàng nghìn mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm... Chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, song mây, gần đây có thêm các chất liệu mới như composite, gốm sứ… càng tạo nên sự phong phú cho sản phẩm. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống ông cha để lại, càng ngày, những nghệ nhân trong làng càng phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau. Người Hạ Thái biết sử dụng cách khắc trên sơn để tạo ra những đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động.

Ngày nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn cả nước ngoài. Nhiều năm nay, Hạ Thái đã trở thành địa chỉ có uy tín với các bạn hàng quốc tế. Hàng của Hạ Thái đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italy, Nhật, Hàn Quốc... Doanh thu của mỗi hộ trung bình hàng năm cũng đạt khoảng 150 triệu đồng, có doanh nghiệp lớn như Mỹ Thái, Thành Sơn... doanh thu lên đến hàng tỷ đồng.

Cùng với truyền thống của một làng nghề hơn 200 năm tuổi, sơn mài Hạ Thái giờ đã có một sức sống mới, đứng vững trong các làng nghề thủ công mỹ nghệ có tiếng ở Việt Nam với hàng hóa chủ yếu là xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Sản phẩm của sơn mài Hạ Thái đã xuất hiện và nhận được sự thán phục của khách tham quan tại nhiều hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề trong và ngoài nước./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT