Tin tức - Sự kiện

Quảng bá du lịch Đắk Lắk tại Hà Nội

Cập nhật: 03/04/2022 16:30:56
Số lần đọc: 565
(TITC) - Chiều ngày 1/4, Sở VHTTDL Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội chợ VITM 2022. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy dự và phát biểu tại hội nghị.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thuỷ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Theo Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk Thái Hồng Hà, là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, ngoài những tiềm năng, thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, Đắk Lắk còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn có khả năng đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào địa hình cảnh quan đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 225 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 33 khách sạn được công nhận hạng từ 1 đến 5 sao; có 27 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch; 26 khu, điểm tham quan du lịch; 9 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Với những tiềm năng và lợi thế trên, trong những năm qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch. Tỉnh Đắk Lắk đã đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiến hành khảo sát, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh… và đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đắk Lắk.

Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp. Ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao tại khu vực thành phố Buôn Ma Thuột; hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại các điểm du lịch. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, mua sắm hàng hoá. Xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà phê của thế giới”. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mạo hiểm, nông nghiệp, nông trại, tiếp tục phát huy thế mạnh của các món ẩm thực và quà tặng...

Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk Thái Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Đánh giá cao những thành tựu và nỗ lực phục hồi du lịch của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thuỷ đề nghị địa phương, doanh nghiệp Đắk Lắk cần quan tâm đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của du lịch Đắk Lắk. Bên cạnh các giải pháp kích cầu thông qua ưu đãi, khuyến mại, du lịch Đắk Lắk cần duy trì tốt hệ thống dịch vụ, nâng cấp chất lượng, bổ sung nhân lực; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới trên cơ sở phát huy tính độc đáo, đặc trưng sản phẩm du lịch Tây Nguyên, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu thị hiếu mới của du khách hậu Covid-19.

Phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch giữa Đắk Lắk với các địa phương khác; kêu gọi liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá vào các thị trường mục tiêu, thị trường nguồn; chú trọng đặc biệt đến việc sử dụng công nghệ trong xúc tiến, quảng bá du lịch; ưu tiên đầu tư phát triển đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TITC)

Phó Tổng cục trưởng khẳng định, Tổng cục Du lịch luôn đồng hành cùng Đắk Lắk, sẵn sàng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng để thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch.

Tại hội thảo, nhiều sản phẩm, nét đẹp văn hóa, du lịch Đắk Lắk đã được các điểm đến, doanh nghiệp giới thiệu với các đại biểu, qua đó mở rộng hợp tác, kết nối, khẳng định thương hiệu du lịch Đắk Lắk trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT