Non nước Việt Nam

Quảng Nam: Thăm khu căn cứ địa cách mạng Nước Là

Cập nhật: 08/11/2021 05:16:27
Số lần đọc: 932
Căn cứ địa cách mạng Nước Là (tỉnh Quảng Nam) với tên gọi Mật khu Đỗ Xá được hình thành từ cuối năm 1959. Đây là căn cứ của Liên khu ủy - Ban Quân sự khu V, có ý nghĩa lịch sử cách mạng trong chiến lược lãnh đạo, chỉ đạo của Liên khu V, đánh dấu mốc son của quân dân Liên khu V trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy khó khăn, gian khổ...  


Để chuẩn bị lâu dài cho phong trào đấu tranh cách mạng, Liên khu V cần chọn địa điểm đặt cơ quan lãnh đạo đảm bảo an toàn, bí mật và thuận lợi; phải có một không gian rộng lớn, nối liền với nhiều địa bàn, nhiều hướng, nối đồng bằng với đô thị, tạo thế liên hoàn, cơ động để khi có thời cơ thì có thể tiến công, mở rộng địa bàn, phong trào cách mạng.

Xuất phát từ những yêu cầu đó, sau khi nghiên cứu, khảo sát địa bàn và nắm tình hình, cuối năm 1959, Liên khu ủy khu V quyết định chuyển cơ quan từ Bến Hiên, Bến Giằng (nay thuộc huyện Đông Giang và Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) vào đóng tại khu vực Nước Là thuộc vùng núi phía tây của huyện Trà My (nay thuộc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Cổng vào Khu di tích Nước Là.

Nước Là là tên của một con suối lớn được bắt nguồn từ Trà Vân chảy qua địa bàn Trà Mai rồi đổ ra sông Tranh. Khu căn cứ Nước Là lúc bấy giờ là một vùng rộng lớn gồm các xã Trà Vân, Trà Mai, Trà Don; phía bắc có ngọn Hòn Bà cao 1.347 m, phía tây có đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 m - ngọn núi cao nhất của Nam Trường Sơn. Xung quanh khu vực Nước Là có rất nhiều dãy núi bị chia cắt bởi các con sông, suối lớn nhỏ tạo thành một hệ thống phòng thủ thuận lợi về mặt quân sự.

Trong những năm dừng chân tại Nước Là (1959 - 1964), Liên khu ủy khu V do đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng đối với phong trào cách mạng trong toàn Liên khu. Tại đây, Liên khu đã lãnh đạo các tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương, chuyển hướng phong trào đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiếp đến là chiến lược “hai chân, ba mũi giáp công” triển khai trên khắp toàn miền, từng bước giải phóng đại bộ phận nông thôn, đồng bằng và làm chủ cả một vùng núi rộng lớn của các tỉnh Nam Trung Bộ. Đặc biệt tại căn cứ Nước Là, Liên khu ủy đã lãnh đạo đánh bại ba cuộc hành quân lấn chiếm của Mỹ - ngụy tấn công vào căn cứ của ta, từ đó càng củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào cách mạng.

Một đoạn suối Nước Là chảy qua Khu di tích.

Cuối năm 1964, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam liên tục nổ ra và giành được nhiều thắng lợi ở vùng nông thôn, đồng bằng. Trước tình hình đó, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng, cơ quan, Văn phòng khu ủy và các ban, ngành của khu chuyển từ căn cứ Nước Là xuống đồng bằng ở các xã giáp ranh Tam Kỳ - Tiên Phước (Quảng Nam). Đến giữa năm 1965 thì chuyển lên Tiên Phước, cuối năm 1965 thì chuyển về lại Trà My. Cuối năm 1967, nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khu ủy chuyển từ Trà My đến Phước Sơn, sau đó lên Nam Giang...; cuối năm 1972 về đóng tại Nước Oa (nay thuộc xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My). Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27/01/1973), cuối năm 1973, để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ III của Đảng bộ Khu V, cơ quan Khu ủy chuyển từ Nước Oa xuống vùng thấp, đóng ở Phước Trà (nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để xứng đáng với vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với các khu căn cứ của Khu ủy khu V trước đây như Khu căn cứ Nước Oa, Khu căn cứ Phước Trà, Khu căn cứ Nước Là đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2008. Tháng 5/2018, Khu di tích căn cứ Nước Là đã được đầu tư tôn tạo và xây dựng với các hạng mục chính gồm: Nhà bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà bia tưởng niệm đồng chí Võ Chí Công, phục dựng nhà hội trường - giao ban, nhà làm việc Bí thư Khu ủy, nhà làm việc Ban quân sự, đường nội bộ trong khu di tích... Đây cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ địa phương./.

An Trường

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT