Hành trang lữ khách

Quảng Ninh: Trải nghiệm cung đường biên giới ở Bình Liêu

Cập nhật: 03/11/2020 10:27:55
Số lần đọc: 801
Bình Liêu có chiều dài biên giới 43km với nước bạn Trung Quốc, từ cột mốc 1300 đến cột mốc 1327. Du khách đến huyện Bình Liêu giờ đây đều rất thích trải nghiệm cung đường biên giới, để chiêm ngưỡng những rừng hoa lau, thông, keo bạt ngàn, những thửa lúa chín vàng, những bản làng dân tộc thiểu số đặc trưng của vùng cao và đắm mình trong sương mù mênh mông.

Du khách thích thú với sương mù ở cột mốc 1327.

Cùng anh cán bộ huyện Bình Liêu chúng tôi lên cột mốc 1327, được coi là cột mốc cuối cùng của huyện Bình Liêu nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển ở khu vực bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn.

Giờ đây, đường lên cột mốc đã thảm bê tông đến tận nơi, rất thuận lợi cho du khách dù đi bằng ô tô hay xe máy. Đi hết con đường bê tông là đường dốc leo lên cột mốc với những bậc xi măng vững chãi. Những ngày chìm trong sương mù bao phủ, ta cảm tưởng như đang leo bậc thang lên cõi hư vô. Những ngày trời nắng, đứng ở cột mốc 1327, ta có thể phóng tầm mắt ra xa xa là những dải rừng xanh xanh, thấp thoáng những ngôi nhà bên nước bạn Trung Quốc.

Do nằm trên độ cao, hàng năm bản Phạt Chỉ có tới 9 tháng sương mù bao phủ. Ngày nay, sương mù lại trở thành sản phẩm du lịch, nhiều du khách tỏ ra thích thú khi hòa mình trong sương mù và chụp cho mình những bức ảnh mờ trong sương.

Những năm gần đây, đa phần du khách khi đến thăm cột mốc 1327 ở khu vực bản Phạt Chỉ, đều ghé qua homestay A Dào. Tại đây, du khách được thưởng thức những món ăn do chính người Dao chế biến. Ai cần nghỉ ngơi để hôm sau tiếp tục cuộc hành trình thì homestay A Dào cũng có phòng phục vụ được đến 30 khách.

Khách đến homestay còn được xem tận mắt cách tráng phở của người Dao và xem người Dao xay thóc bằng cối xay bằng đá. Ai có nhu cầu cũng được chủ nhân của homestay mời tắm lá thuốc của người Dao cho khỏe người.

"Sống lưng khủng long" ở khu vực cột mốc 1305. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH  Bình Liêu)

Một điểm đường biên, cột mốc nữa gây ấn tượng với du khách là con đường mang tên “Sống lưng khủng long” khu vực cột mốc 1305. Có nhiều đường đến được với “Sống lưng khủng long”, du khách có thể đi từ xã Lục Hồn hay xã Hoành Mô đều được.

Cảnh vật ở đây thay đổi theo mùa, nhưng đẹp nhất là mùa thu, đường biên giống như bức tranh khổng lồ với nét vẽ tài tình của tạo hóa, đan xen màu xanh đậm của các khu rừng và màu xanh miên man của cỏ non. Những dãy núi trùng điệp nối tiếp nhau gợi ta nhiều ý tưởng thỏa sức tưởng tượng.

Về mùa xuân, du khách được mê mải trong những cung đường xanh mướt nhiều loài cỏ cây hoa lá cùng khoe sắc. Mùa hè, dọc con đường đến với sống lưng khủng long là vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang đầy màu sắc, thấp thoáng những ngôi nhà mang nét đặc trưng của người Tày, người Dao. Mùa đông là sắc trắng tựa như tơ của bạt ngàn hoa cỏ lau còn đọng lại hạt sương được mặt trời chiếu vào tạo thành sắc lung linh, huyền ảo.

Đến với những cung đường biên giới với cột mốc biên cương, ta càng thêm tự hào về đất nước mình, ở đâu cũng đẹp, dẫu là những dải đất cuối cùng nhưng vẻ đẹp lại vô cùng./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục