Non nước Việt Nam

Thăm các di tích gắn liền với Khởi nghĩa Hòn Khoai

Cập nhật: 26/02/2019 09:53:26
Số lần đọc: 788
Một trong những niềm tự hào của đất và người Cà Mau là sự kiện Khởi nghĩa Hòn Khoai gắn liền với người Anh hùng Phan Ngọc Hiển... Lần theo các di tích của Cà Mau để ôn lại những sự kiện lịch sử đầy bi tráng ngày nào.


Đền thờ 10 anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai.


 

Cây me Rạch Gốc

Di tích Cây me Rạch Gốc (ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) là di tích cấp tỉnh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng Phan Ngọc Hiển. 

Năm 1931, Phan Ngọc Hiển đến Cà Mau hoạt động cách mạng. Năm 1932, ông được phân công vừa dạy học vừa phụ trách Công hội Đỏ ở Rạch Gốc - Tân Ân, tạo điều kiện bám cơ sở hợp pháp làm nghề dạy học, nắm công nhân các lò than, gây dựng phong trào quần chúng. Phan Ngọc Hiển nhanh chóng trở thành thành viên cốt cán của Công hội Đỏ, là người có công lớn trong việc giác ngộ tinh thần đấu tranh giai cấp cho đồng bào vùng Rạch Gốc - Tân Ân, đưa mảnh đất này trở thành cái nôi của cách mạng. Từ khi Chi bộ xã Tân Ân ra đời, Cây me Rạch Gốc (lúc bấy giờ chỉ là một cây me rừng có tán rộng mọc hoang  giữa Rạch Gốc) trở thành một trong các địa điểm hội họp đầu tiên của chi bộ, cũng là nơi đồng chí Phan Ngọc Hiển truyền bá chủ nghĩa cộng sản sâu rộng đến những lực lượng nòng cốt của xã Tân Ân, nhất là thanh niên. Những thanh niên được rèn luyện sau này trở thành đồng chí, đồng đội cùng thầy giáo Phan Ngọc Hiển tham gia cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai, làm nên thắng lợi vẻ vang nhất, tự hào nhất cho con người và vùng đất cực Nam Tổ quốc. Có thể nhận định, Cây me Rạch Gốc là điểm kết nối các sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong dòng chảy liên tục của cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của quân và dân tỉnh Cà Mau nói chung, của con người và vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân nói riêng.

Căn cứ Tỉnh uỷ Tại Lung Lá - Nhà Thể

Di tích căn cứ của Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể toạ lạc ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm TP Cà Mau khoảng 13 km về phía Tây Nam.

Chính nơi đây, giai đoạn từ năm 1938-1940, đồng chí Trần Văn Thời đã sử dụng ngôi nhà và khu vườn của mình để làm nơi hội họp và tổ chức kết nạp nhiều đảng viên ở các chi bộ. Nhiều đồng chí ở Xứ uỷ Nam Kỳ, Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang đã đến đây hoạt động và chỉ đạo các phong trào cách mạng tại địa phương.

Thời kháng chiến chống Pháp, khu vực này có địa hình hiểm trở, phía trên là rừng cây gỗ tạp và lá dừa nước bao phủ, phía dưới có nhiều kinh rạch nhỏ thông ra sông lớn, rất thuận lợi cho hoạt động bí mật.

Tại căn cứ Lung Lá - Nhà Thể, vào ngày 26/11/1940, đồng chí Trần Văn Thời đã triệu tập Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng để nghiên cứu nghị quyết của Xứ uỷ, đánh giá tình hình địch, công tác chuẩn bị vũ trang của ta và kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể đã nhất trí chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh, đồng chí Phan Ngọc Hiển được Tỉnh uỷ lựa chọn là người trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Hòn Khoai vào đêm 13/12/1940.

Đảo Hòn Khoai

Đảo Hòn Khoai cách đất liền hơn 6 hải lý, có diện tích khoảng 4 km2, nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển.

Trước Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng tháng 11/1940 tại Lung Lá - Nhà Thể, Tỉnh uỷ đã phân công đồng chí Phan Ngọc Hiển cùng với đồng chí Dương Văn Giai, Nguyễn Thị Quýt ra Hòn Khoai xây dựng cơ sở cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa chiếm Hòn Khoai. Nhằm tạo thế hợp pháp, đồng chí Phan Ngọc Hiển đến gặp tên sếp đảo Oliver xin mở trường dạy học. Trong một thời gian ngắn, hầu hết các nhân viên làm việc trên đảo đều được đồng chí Hiển tuyên truyền và giác ngộ cách mạng.

23 giờ ngày13/12/1940, cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai do Phan Ngọc Hiển chỉ huy đã nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi, tên sếp đảo bị thương nặng chết ngay trên đảo. Lực lượng Khởi nghĩa Hòn Khoai hoàn toàn làm chủ tình hình trên đảo và nhanh chóng tiến thẳng về đất liền. Trên chiếc tàu đánh cá, đoàn quân Khởi nghĩa Hòn Khoai dựng lá cờ đỏ búa liềm và giương tấm băng mang dòng chữ: “Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế muôn năm”. Khi về đến đất liền, quân khởi nghĩa tiếp tục đánh chiếm Ðồn Kiểm lâm Tân Ân và nhanh chóng giành thắng lợi.

Vậy là cuộc khởi nghĩa do Phan Ngọc Hiển lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy giành thắng lợi trọn vẹn. Tuy nhiên, do lệnh ngừng khởi nghĩa đã được ban hành trước đó, quân khởi nghĩa Hòn Khoai không nhận được liên lạc cũng như sự chi viện khẩn cấp, sau nhiều ngày bị cô lập trong rừng, ngày 22/12/1940, các chiến sĩ Hòn Khoai bị địch bắt tại bãi Khai Long.

Ngày nay, đảo Hòn Khoai không chỉ là một di tích thắng cảnh đẹp mà còn là một niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của quân dân Cà Mau. 

Đền thờ 10 anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai

Toạ lạc giữa lòng TP. Cà Mau (đường Nguyễn Trãi, Phường 9, TP Cà Mau), đây là địa điểm thể hiện lòng tri ân sâu sắc của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau đối với những anh hùng đã làm nên cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai.

Di tích này cũng chính là nơi thầy giáo Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội của mình an nghỉ, được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 6/4/2011. Năm 2016, di tích được tôn tạo, trùng tu với quy mô lớn trên diện tích hơn 8 ngàn mét vuông. Ngoài phần mộ của Anh hùng Phan Ngọc Hiển và 9 đồng đội, di tích còn có nhà tưởng niệm, khuôn viên rộng, đẹp, nhà trưng bày - chiếu phim với những nội dung về cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai và cuộc đời thầy giáo Phan Ngọc Hiển...

Không nhiều di tích cổ như những vùng miền khác của đất nước, song mỗi di tích lịch sử tại Cà Mau là một phần hồn tạo nên truyền thống và bản sắc của con người và mảnh đất cuối cùng phương Nam Tổ quốc./.

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT