Hoạt động của ngành

Tổng cục Du lịch phối hợp tổ chức hội thảo Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch ở Bình Thuận

Cập nhật: 24/02/2023 09:57:54
Số lần đọc: 576
(TITC) - Sáng ngày 23/2, tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận và Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO (UNWTO RSOAP) tổ chức Hội thảo về Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch.

Ông Katsuhisa Ishizaki - Phó Giám đốc Bộ phận Quốc tế UNWTO RSOAP phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Katsuhisa Ishizaki - Phó Giám đốc Bộ phận Quốc tế UNWTO RSOAP cho biết, theo thống kê mới nhất của UNWTO và các kịch bản dự báo cho năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế có thể đạt 80% đến 95% so với mức trước đại dịch, tuy nhiên vẫn tùy thuộc vào những diễn biến khác nhau trên thế giới.

Gần đây, “du lịch bền vững” là cụm từ thông dụng và trở thành một chủ đề thịnh hành. Nhưng theo ông Katsuhisa Ishizaki, không phải tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch đều thực hiện đúng cách tiếp cận cần thiết và đi theo con đường đúng đắn để đạt được “du lịch bền vững”. Thay vào đó, nhiều điểm đến dường như gặp khó khăn trong việc quản lý và phát triển du lịch.

Do đó, để tìm sự cân bằng giữa kinh tế, văn hóa/xã hội địa phương và môi trường, UNWTO RSOAP đã phát triển Sổ tay “Hướng dẫn thực hành về quản lý bền vững thông qua phát triển du lịch” vào năm 2022 với Viện Nghiên cứu Du lịch và Giao thông Nhật Bản và bắt đầu áp dụng các phương pháp trong sổ tay cho một số địa phương, các thành phố ở Nhật Bản. Trong năm nay, UNWTO RSOAP sẽ tiếp tục xây dựng và chỉnh sửa Sổ tay để phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Ông Katsuhisa Ishizaki hy vọng, thông qua các bài giảng và các hoạt động nhóm tại buổi hội thảo sẽ mang đến cho các đại biểu những kiến thức về quản lý hiệu quả và sử dụng phương pháp này để phát triển Mũi Né như một điểm đến du lịch bền vững.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu 

Đánh giá cao những tiềm năng tự nhiên của Bình Thuận, trong bài phát biểu ghi hình gửi đến hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh, đây là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát triển đa dạng các loại hình du lịch nhất là du lịch sinh thái biển.

Những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận đã triển khai những giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế, ngành du lịch Bình Thuận đã có bước phát triển nhanh chóng và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định cho hơn 25.000 lao động địa phương.

Năm 2022, Bình Thuận đón trên 5,7 triệu lượt khách (trong đó khách du lịch quốc tế gần 88 ngàn lượt); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 13.680 tỷ đồng. Bước vào năm 2023, du lịch Bình Thuận tiếp tục có sự phục hồi mạnh, khách quốc tế đã có sự tăng trưởng trở lại, trong đó khách đến từ Hàn Quốc và Nga chiếm tỷ lệ cao. Bình Thuận phấn đấu đón 6,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023.

Năm 2023, Bình Thuận được vinh dự đăng cai tổ chức năm Du lịch quốc gia chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” với trên 200 hoạt động, sự kiện quy mô quốc gia và quốc tế. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Hội thảo Quản trị điểm đến bền vững tại Bình Thuận vừa là nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia, vừa gắn với đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng như chương trình quản lý điểm đến bền vững phục vụ phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh phát biểu tại hội thảo 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh, hội thảo là cơ hội để trang bị cho cán bộ ngành du lịch, doanh nghiệp lưu trú - lữ hành, cộng đồng du lịch, Ban Quản lý các khu - điểm du lịch những kiến thức quan trọng về quản lý điểm đến, chia sẻ kinh nghiệm để hướng đến phát triển bền vững du lịch địa phương… Những vấn đề được trao đổi, thảo luận tại hội thảo chắc chắn sẽ là gợi ý quý báu cho công tác quản trị điểm đến bền vững nói riêng, ngành du lịch Bình Thuận nói chung trong quá trình phát triển theo xu hướng xanh và bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về tiềm năng và phát triển du lịch Bình Thuận; Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch; Thực hành tốt về “Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch” ở Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Theo đó, quản lý khu vực bền vững thông qua phát triển du lịch có những lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, cũng như những lợi ích trong việc gắn kết và quản trị của một khu vực. Sổ tay “Hướng dẫn thực hành về quản lý bền vững thông qua phát triển du lịch” chỉ ra các bước cần thiết để hiện thực hóa quản lý khu vực bền vững, kèm theo những câu chuyện của các trường hợp điển hình tiên phong; đồng thời giới thiệu một phương thức tiếp cận thực tế đển quản lý khu vực bền vững tận dụng tiềm năng du lịch dựa trên các điều kiện thực tế và khách quan, hướng tới duy trì và thúc đẩy chất lượng cuộc sống của người dân.

Sổ tay này được thiết kế cho các điểm đến ở cấp tỉnh, quận/huyện và xã/phường có mong muốn thúc đẩy phương thức phát triển du lịch bền vững hơn thông qua sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương với các đối tượng sử dụng: chính quyền địa phương, dân cư địa phương, hiệp hội du lịch và các đơn vị tư nhân.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm 

Các đại biểu trao đổi, thảo luận nhóm tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhóm về các vấn đề phát triển du lịch bền vững, thách thức đặt ra khi phát triển du lịch Mũi Né…

Trung tâm Thông tin du lịch/Vụ Hợp tác quốc tế

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 23/02/2023

Cùng chuyên mục