Hoạt động của ngành

TP Hồ Chí Minh: Đào tạo ngành Du lịch ứng dụng công nghệ số trong chuyên đề tốt nghiệp

Cập nhật: 10/08/2021 08:47:02
Số lần đọc: 723
Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài và phức tạp, Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) đã có những động thái thích ứng kịp thời, đó là việc tất cả chuyên đề tốt nghiệp được thực hiện trên nền tảng số. Như vậy, khác với các báo cáo chuyên đề được tổ chức theo hình thức chương trình sự kiện văn hóa, du lịch, ẩm thực…, thì nay sản phẩm chuyên đề sẽ được thực hiện dưới dạng hình ảnh và video đăng tải trên các Fanpage chuyên đề.


Chất lượng là kim chỉ nam

Hoạt động của một nhóm chuyên đề đang được triển khai.

Th.S Phan Thị Ngàn – Đại diện Khoa Du lịch và Việt Nam học – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Hè năm 2021, cũng là thời điểm các sinh viên năm cuối đã sẵn sàng cho chuyên đề tốt nghiệp thì dịch bệnh lại bùng lên với mức độ lây lan nhanh, khiến rất nhiều sinh viên hoang mang lo lắng, nhất là các sinh viên năm cuối; do vậy nhà trường và các giảng viên hướng dẫn phải là người chủ động kết nối sinh viên, quan tâm tiến độ học tập cũng như tình hình đời sống của sinh viên. Bên cạnh đó, Khoa còn triển khai chương trình Kết nối yêu thương nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đối với sinh viên đang sống trong khu vực bị cách ly hay những sinh viên “mắc kẹt” lại thành phố trong mùa dịch. Với Chuyên đề tốt nghiệp 2021, Khoa đổi mới hình thức tổ chức, sử dụng Fanpage chính thức của Khoa Du lịch và Việt Nam học để làm kênh truyền thông cho tất cả các chuyên đề của sinh viên. Qua đó, các hoạt động, sản phẩm chuyên đề được công bố và đánh giá công khai qua sự kiểm duyệt của Hội đồng Khoa. Các nhóm sẽ thực hiện dự án truyền thông, quảng cáo cho đề tài về Du lịch và Việt Nam học. Tuy nằm trong khuôn khổ một bài thi tốt nghiệp nhưng các đề tài rất đa dạng, phong phú thể hiện sự dày công, trau chuốt của sinh viên, từ các điểm du lịch nổi tiếng, các khách sạn, nhà hàng tiêu biểu…; cho đến ẩm thực, lịch sử, văn hóa, lối sống ở khắp các vùng miền đất nước.

Được biết, mỗi nhóm chuyên đề được tạo một album trên Fanpage với hai phần Nhật ký chuyên đề và Sản phẩm báo cáo chuyên đề. Kết quả của chuyên đề được đánh giá dựa trên chất lượng bài viết lẫn hiệu quả truyền thông.

Đổi mới theo xu thế hội nhập

Để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng cũng như đảm bảo chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp, Khoa luôn cập nhật xu thế phát triển, đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo, tiên phong trong đổi mới. Đặc biệt, năm 2017, Khoa mạnh dạn điều chỉnh chương trình theo hướng phát triển năng lực (CDIO), tăng tỉ trọng thời gian thực hành cao hơn so với lý thuyết, điều đó thể hiện quyết tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ sinh viên thích ứng được với bối cảnh hội nhập hiện nay. Điển hình cho hoạt động đào tạo theo hướng phát triển năng lực là việc tổ chức Chuyên đề tốt nghiệp đối với sinh viên năm cuối thuộc các ngành tại Khoa Du lịch và Việt Nam học. Các sinh viên được chủ động lên ý tưởng, triển khai kế hoạch, vận dụng các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để thực hiện một chuyên đề theo hướng ứng dụng dưới sự hướng dẫn của các giảng viên. Qua các kỳ chuyên đề, sinh viên được tự tin bộc lộ tiềm năng bản thân, lòng say mê nghề nghiệp và trách nhiệm với công việc và với tập thể. Không ít chuyên đề tốt nghiệp của sinh viên đã đạt đến mức độ chuyên nghiệp, thể hiện suy nghĩ nhân văn hướng tới cộng đồng và tính ứng dụng thực tế cao. Chính qua những chuyên đề này, Khoa không chỉ đánh giá được chất lượng sinh viên trên cả ba phương diện kiến thức, kỹ năng và thái độ; mà còn tự đánh giá, kiểm định được chương trình đào tạo hiện hành.

Mặt khác, Chuyên đề tốt nghiệp cũng là cơ hội để Khoa Du lịch và Việt Nam học quan sát và khám phá được sự năng động, sáng tạo không giới hạn của sức trẻ, từ đó vận dụng những phương pháp giảng dạy và đánh giá phù hợp vào quá trình đào tạo./.

Du Việt

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục