Hoạt động của ngành

Truyền thống lịch sử - di sản vô giá trong tuyên truyền ở Cao Bằng

Cập nhật: 05/08/2020 08:45:05
Số lần đọc: 703
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã kế thừa, phát huy truyền thống của tổ tiên lập nên những trang sử hào hùng, oanh liệt, giữ vững nền độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia và phát triển, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.  


Hướng dẫn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó giới thiệu cho các em học sinh về truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương. Ảnh: B.N

Đến khi Đảng ta ra đời - trong thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc ta tiếp tục chiến đấu và chiến thắng các đế quốc sừng sỏ, những chiến thắng đó làm cho thế giới khâm phục Việt Nam. Việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, phát hành các công trình lịch sử là một hoạt động để gìn giữ, phát huy di sản vô giá của lịch sử để lại cho đời sau những bài học quý báu trong công cuộc dựng nước và giữ nước trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Việc nghiên cứu, biên soạn càng tốt càng phát huy được truyền thống, để lại nhiều bài học cho hôm nay và mai sau; thế hệ hôm nay phải tạo điều kiện cho thế hệ sau. Nghiên cứu, biên soạn lịch sử tốt chính là góp phần vào việc đó, nếu viết tốt, các thế hệ sau khi đọc sách sẽ học tập được bài học kinh nghiệm; ngược lại nếu không tổng kết, không ghi lại, không biên soạn thành các tác phẩm lịch sử sẽ làm mất đi một tài sản vô giá của nhân dân.

Khi đã có tác phẩm lịch sử, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, nhất là đưa vào giảng dạy tại các trường học. Phải chú trọng tuyên truyền giáo dục lịch sử sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân; các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tuyên truyền lịch sử cho thế hệ sau. Qua đó giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc nhằm làm cho các thế hệ thêm yêu quê hương, đất nước, từ đó có ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước, với xã hội.

Việc coi giáo dục lịch sử cần đặt thành nhiệm vụ quan trọng trong các trường, tài liệu lịch sử là tài liệu không thể thiếu trong nhà trường. Vì đây là những tài liệu, sách viết về lịch sử của dân tộc, của quê hương, đất nước đã được các cơ quan có trách nhiệm phát hành. Nội dung này nếu không được xác định đúng, không làm tích cực, không làm tốt thì trong sự phát triển của xã hội, trước xu thế hội nhập dẫn đến sự xâm nhập của các loại ấn phẩm, sách báo, phim ảnh... của nước ngoài sẽ có nhiều người hiểu lịch sử của nước ngoài, văn hóa nước ngoài nhiều hơn lịch sử, văn hóa của chính đất nước, quê hương mình.
Vì vậy, việc có kế hoạch, chương trình nghiên cứu, biên soạn thật tốt, sâu rộng, đầy đủ để có những cuốn sách lịch sử chính thống và có sách tham khảo phục vụ tuyên truyền, độc giả sẽ phát huy được những giá trị lịch sử là tài sản vô giá của dân tộc. Chỉ có thông qua giáo dục truyền thống lịch sử thật sự sâu rộng, mạnh mẽ cho mọi đối tượng mới có thể chiếm lĩnh trọn vẹn mặt trận tư tưởng, góp phần chống những tư tưởng, biểu hiện dao động, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ tích cực công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.                      

 

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục