Non nước Việt Nam

Tuồng tích văn hóa dân gian trên gốm Việt

Cập nhật: 01/02/2024 09:44:41
Số lần đọc: 861
Nằm ở khu vực Đông Nam Á, lại giáp với Trung Quốc - nơi được xem là cội nguồn nghề gốm, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nghề làm gốm xuất hiện khá sớm, khoảng một vạn năm trước đây.

Đong nắng (Phơi gốm ở làng gốm truyền thống Thanh Hà). Ảnh: Đặng Kế Đông

Đồ gốm Việt là gốm mộc, ban đầu được nặn bằng tay, nung ở ngoài trời, hoa văn trang trí được tạo ra khi sản phẩm còn ướt. Về sau, đã có những bước chuyển mới, từ kỹ thuật nặn tay chuyển sang tạo hình bằng bàn xoay. Từ khi ra đời, đồ gốm đã trở nên phổ biến, giữ vai trò chủ đạo và luôn là một nghề thủ công có vị trí lớn trong đời sống của cộng đồng cư dân mọi miền đất nước.

Từ những nét vẽ dân gian...

Cho đến nay, dấu vết hội họa cổ truyền trên gốm Việt cho thấy nghệ thuật đã đạt đến mức rất cao với những trang trí thường dùng mũi nhọn hay bút lông vẽ hình người, chim, thuyền rất sinh động, đều đặn, cân đối.

Nhiều khi nét vẽ do lưỡi dao tre cạo xuống nền men, cho trơ đất mộc ra rồi vẽ bằng bút lông với men nâu vào trong các hình khắc đó. Những nét vẽ, hình vẽ trên đồ gốm cho thấy nghệ nhân đã bỏ nhiều thời gian, công sức để sáng tạo. Nét vẽ thanh tú, khi đậm khi nhạt, khi to khi nhỏ, khi rất chi tiết khi lại phóng túng.

Dấu tích xưa nhất của mỹ thuật dân gian trang trí trên gốm là các biểu tượng mặt trời, chim hạc, hình kỷ hà và cảnh múa hát, bơi thuyền. Đó thường là những hình ảnh của sinh hoạt dân gian, của những biểu tượng nông thôn, của hồn Việt tinh khiết.

Ngoài ra, tranh dân gian có một điểm nhìn cố định tạo màu nên rất thuận lợi khi thể hiện trên chất liệu gốm. Đường nét của mỗi bức tranh đều đơn giản nhưng vẫn tạo được rung cảm thẩm mỹ cho người xem. Để hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật này là không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ vẽ gốm phải có nhiều năm kinh nghiệm.

Những tích tuồng văn hóa dân gian mang yếu tố tâm linh - các linh thú như kỳ lân, long mã, lân sư, nghê chầu, ngựa chầu, linh kê, phượng hoàng, long ngư... thể hiện trên gốm là sự phát triển độc lập, mang đậm tính bản địa và tạo nên một trong những trang sử rực rỡ nhất của truyền thống sản xuất gốm sứ Việt Nam từ cung đình đến dân gian.

Nghệ nhân đã kết hợp hài hòa giữa song tấu mỹ thuật truyền thống và mỹ thuật dân gian để các họa tiết, hình vẽ trên gốm đi vào cuộc sống một cách dung dị, bình dân, mộc mạc và đã trở thành nét đặc trưng của đồ gốm Việt.

... Đến truyền thống riêng biệt

Tùy theo khu vực địa lý và vùng miền văn hóa, gốm Việt có những điểm khác nhau về hình thức thể hiện. Gốm miền Bắc thì vẽ linh vật có độ tinh xảo, màu sắc hài hòa, chế tác cầu kỳ, xương gốm ít thô nặng, màu men sang trọng.

Đồ gốm ở miền Trung thường dày, nặng, màu men đục và thô. Gốm miền Nam có đặc điểm nhiều sắc màu, tương đối mộc, thiên về hình khối hơn là sự tinh xảo của đường nét. Ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thì gốm cũng có đặc điểm gần như vậy, mặc dầu đã có sự lai tạp, xen trộn với dòng gốm sứ của miền Nam.

Giữ nghề gốm của cha ông. Ảnh: Phạn Vũ Trọng

Một thành tựu khác của nghệ thuật trang trí tạo hình trên gốm Việt là có sự phân chia thành ba nhóm chủ đề chính. Trên gốm cung đình thường sử dụng hình ảnh của sự quyền quý và yếu tố phong thủy, tâm linh với các họa tiết tứ quý (mai, lan cúc, trúc), tứ thời (xuân, hạ, thu, đông), tứ linh (long, lân, quy, phượng) hay hình vẽ các tích truyện, tục ngữ, thành ngữ nói về sự may mắn như phúc lộc thọ, bát tiên quá hải, tùng hạc diên niên.

Còn ở gốm dân gian thì thường có hình ảnh, họa tiết từ dòng tranh dân gian ngư, tiều, canh, mục hay các tích hứng dừa, thầy đồ, đám cưới chuột, chăn trâu thổi sáo.

Gốm Việt không lẫn với gốm các nước, vì trên gốm Việt luôn gợi lên vẻ đẹp khác biệt bởi chiều sâu, dáng khỏe, cảm xúc trầm lắng và đầy dư vị của hình vẽ tuồng tích văn hóa dân gian.

Đó là chưa nói tới nét bút hay nét khắc luôn tỏ ra linh hoạt trong sự dìu dặt và hiền hòa, tiêu biểu ở dòng gốm dân gian Chu Đậu, Bát Tràng và Đồng Nai, chứ không tỏ ra quá cầu kỳ và cứng nhắc như công thức của các dòng gốm ở nước ngoài.

... Và gắn với nhân sinh xã hội

Truyền thuyết dân gian cho rằng đồ gốm là chất nằm trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ, do đó phải có những hình vẽ các linh thú để trừ yểm.

Trong quan niệm của văn hóa cổ truyền phương Đông, đất - thổ là trung tâm của ngũ hành (bốn hành còn lại là: kim, mộc, thủy, hỏa). Thổ là chỗ dựa, nền tảng duy trì và kéo dài sự bền bỉ, kiên định không thay đổi. Sự bền vững của thổ được các nhà Nho ví với lòng nhân của con người. Đất còn biểu tượng cho mẹ, người phụ nữ khởi nguyên, bà mẹ thế gian sản sinh ra muôn loài vật.

Con người sống được nhờ ăn uống hằng ngày, mà các vật dụng đều làm bằng gốm (đất). Sau này con người lớn lên, trưởng thành, rồi già yếu bệnh tật và chết đi thì cũng trở về với đất qua cái mộ chum thời xa xưa cũng làm từ gốm.

Sau khi chết, con người được thiêng hóa qua tín ngưỡng thờ cúng thì cũng dùng các đồ gốm tâm linh thể hiện qua các hình mây trời, bồng lai tiên cảnh. Dường như có sự logic khi xã hội dù trải qua bao biến thiên của thời cuộc, nhưng nét vẽ dân gian trên đồ gốm luôn trường tồn, thủy chung, không thể thiếu được trong người dân và xã hội.

Tôn Thất Hướng

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 31/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT